Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama

Một kỷ nguyên của trách nhiệm mới

Một kỷ nguyên của trách nhiệm mới
  • Obama lên lịch dày đặc trong ngày đầu tiên nhậm chức

Vào lúc 22 giờ hôm qua (giờ VN) lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức diễn ra phía Tây tòa nhà Quốc hội Mỹ. Chiếc limousine được thiết kế đặc biệt dành riêng cho vị Tổng thống thứ 44 cùng đoàn mô tô đã xuất hiện trong sự hò reo của đám đông người tham dự vào lúc 23 giờ (giờ VN).

Theo ước tính của CNN, khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu người đã chứng kiến lễ tuyên thệ của ông Barack Obama, người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên được bầu vào chức vụ cao nhất nước Mỹ.

Một kỷ nguyên của trách nhiệm mới ảnh 1

Sau sự xuất hiện của vợ chồng các đời Tổng thống tiền nhiệm Mỹ George HW Bush. Jimmy Carter, Bill Clinton, 23 giờ 43 phút Tổng thống Obama đã đứng trước sân khấu chính của Tòa nhà Quốc hội trong sự đón chào nồng nhiệt của các quan chức chính phủ và đông đảo người dân tham dự buổi lễ. Thượng nghị sĩ California Dianne Feinstein đã đọc bài diễn văn chào mừng lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ.

23 giờ 58 phút, vị “phó tướng” của tân Tổng thống Obama, Joe Biden, đã tuyên thệ nhậm chức phó Tổng thống Mỹ trước sự chứng kiến của thành viên Tòa án tư pháp tối cao.

Vào 0 giờ 5 phút ngày 22-1 (giờ VN) thời khắc mà cả người dân Mỹ mong đợi trong suốt thời gian qua cũng đã đến. Tân Tổng thống Obama đã đặt tay lên cuốn kinh Thánh mà Tổng thống Abraham Lincoln đã sử dụng trong lễ nhậm chức của ông và đọc lời thề: “Tôi xin trân trọng thề rằng tôi sẽ hết lòng điều hành văn phòng tổng thống Mỹ và sẽ bằng hết khả năng của mình để duy trì, che chở và bảo vệ hiến pháp của nước Mỹ”.

21 phát đại bác được bắn để chào mừng tân Tổng thống. Trong bài diễn văn nhậm chức được kéo dài gần 20 phút được xem là được chờ đợi nhất trong nhiều thập kỷ qua, ông Obama nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang bước vào “một kỷ nguyên của trách nhiệm mới”.

Ông Obama đã nói về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và kêu gọi mọi người dân Mỹ, kể cả các công ty và các doanh nghiệp, phải có trách nhiệm trong hành động của mình. Về vấn đề khủng bố, tân Tổng thống Mỹ khẳng định những hành động tấn công, tàn sát người vô tội sẽ bị trừng trị đích đáng và “chúng ta sẽ đánh bại chủ nghĩa khủng bố”. Ông cũng cam kết sẽ tìm kiếm “hướng đi mới” đối với thế giới Hồi giáo. Ngoài ra, ông Obama cũng tuyên bố nước Mỹ sẽ chung sức cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến biến đổi khí hậu.

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadejand và Thủ tướng nước này Abhisit Vejjajiva là những nhà lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia trên thế giới gửi lời chúc mừng đến tân Tổng thống thứ 44 của Mỹ.

Nhà vua Thái Lan đã bày tỏ sự vui mừng khi ông Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ và chúc ông Obama thành công trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Một kỷ nguyên của trách nhiệm mới ảnh 2
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức.

Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ca ngợi việc ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ “sẽ mở ra chương mới trong lịch sử nước Mỹ và thế giới”. Toàn quyền Canada Michaelle Jean cũng đã gửi lời chúc mừng “thời khắc lịch sử của nước Mỹ” và chúc ông Obama thành công trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Việc ông Obama trở thành Tổng thống thứ 44 của Mỹ không chỉ thu hút được sự quan tâm của người dân Mỹ mà cả thế giới cũng rất kỳ vọng sự “thay đổi” mà vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ đem lại.

Một kết quả thăm dò của BBC phối hợp thực hiện cùng công ty khảo sát toàn cầu GlobeScan, Chương trình chính sách quốc tế (Pipa) của Đại học Maryland (Mỹ) công bố đã cho thấy điều này. 67% trong số 17.000 người tại 17 quốc gia trên thế giới đều cho rằng ông Obama sẽ củng cố mối quan hệ với các nước, 50% tin tưởng Mỹ sẽ rút quân tại Iraq, 46% kỳ vọng ông Obama sẽ giải quyết được vấn đề căng thẳng tại Trung Đông và 29% ủng hộ chính phủ Mỹ nhiệm kỳ mới trong cuộc chiến với Taliban tại Afghanistan.

Xét về khu vực, những công dân sống tại quốc gia châu Âu là những người lạc quan nhất về sự thay đổi mà ông Obama mang lại khi nắm quyền với 80% người dân ở Italy và Đức tin tưởng tân tổng thống Mỹ sẽ cải thiện mối quan hệ với các nước.

V.C. (Tổng hợp)

  • Jon Favreau - đồng tác giả bài diễn văn nhậm chức

Ít ai biết rằng bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama do chính ông viết nhưng cũng ít ai biết rằng ngoài ra còn có một người có thể xem là đồng tác giả - anh Jon Favreau, 28 tuổi. Anh được xem là người đọc được ý tưởng của Tổng thống Obama và trở thành người viết diễn văn trẻ nhất trong lịch sử Nhà Trắng. Chính ông Obama đã phát hiện tài năng của Favreu cách đây 4 năm khi anh làm việc trong ủy ban tranh cử tổng thống của ông John Kerry.

Từ đó Favreu đã nghiên cứu các bài diễn văn của ông Obama và làm tăng thêm tính hùng hồn ở những đoạn cao trào của bài diễn văn. Suốt chiến dịch tranh cử của ông Obama, Favreau thường thức đến 3 giờ sáng để chuẩn bị cho các bài diễn văn cho ông, trong đó có bài diễn văn giúp ông Obama giành chiến thắng quan trọng tại bang Iowa. Ngay cả ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Favreau đã chuẩn bị sẵn cho ông Obama cả diễn văn chiến thắng và diễn văn thừa nhận thất bại.

Trước khi tham gia viết bài diễn văn nhậm chức này, anh và Tổng thống Obama trao đổi liên tục. Khi ông Obama nói ra quan điểm, Favreau viết trên máy tính. Sau đó anh dành nhiều tuần nghiên cứu các bài diễn văn trong lịch sử, nghiên cứu những thời kỳ khủng hoảng, phỏng vấn các nhà lịch sử cũng như nghe lại các bài diễn văn nhậm chức của các tổng thống tiền nhiệm trước đặt bút viết.

K.M. (Theo Guardian)

  • Người dân Kenya tưng bừng lễ hội

Trên khắp đất nước Kenya, đặc biệt là tại làng Kogelo, quê cha của Tổng thống Barack Obama, trong suốt những ngày qua ngập tràn trong bầu không khí lễ hội. Ngôi làng với 5.000 dân bình thường rất thầm lặng nhưng giờ đây sôi động hẳn lên với đủ loại âm thanh và màu sắc.

Những người bà con bên nội ông Obama đã chờ đợi từ lâu giây phút ông Obama chính thức trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ. Phụ nữ trong làng ai cũng “diện” bộ “kangas”-một loại sà rông sặc sỡ rất phổ biến ở Kenya. Đàn ông thì mặc trang phục thể thao truyền thống cùng với cây giáo.

Nhiều người còn cho in cả ảnh ông Obama lên quần áo của mình, hoặc choàng ảnh ông lên thắt lưng để khi nhảy, ông Obama cũng như đang nhảy theo họ.

BBC mô tả không khí ở đây như một trận “động đất” nhưng không có người chết. Bà nội của ông Obama, bà Sarah Onyango Obama, đang có mặt ở Washington D.C để tham dự lễ nhậm chức của cháu nội. Kogelo hiện cũng đã thu hút được nhiều du khách kể từ khi ông Obama đắc cử.

K.M.

  • Obama lên lịch dày đặc trong ngày đầu tiên nhậm chức

Ngay sau khi Obama nhậm chức, đoàn xe chính phủ sẽ đưa các quan chức chính quyền mới từ đồi Capitol tới Nhà Trắng bắt đầu làm việc. Lịch làm việc của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama dày đặc, ông sẽ chủ trì một cuộc họp với các cố vấn kinh tế hàng đầu để vạch phương án cho nỗ lực vận động, thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 825 tỷ USD; gặp mặt với quan chức quân sự bàn về việc thay đổi sứ mệnh quân đội Mỹ ở Iraq; bổ nhiệm ít nhất 1 đặc phái viên về vấn đề Trung Đông; ký hàng loạt sắc lệnh từ môi trường đến giam giữ các phần tử tình nghi khủng bố… ngay trong ngày đầu tiên sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Các trợ lý của ông Obama cho biết Tân tổng thống Mỹ cố gắng lập tức muốn cuộc khủng hoảng tài chính trở thành tâm điểm chương trình nghị sự khi bắt đầu lãnh đạo chính quyền mới. Ông sẽ có bài phát biểu kinh tế trước quốc hội để trực tiếp truyền đạt với người dân Mỹ rằng khủng hoảng tài chính có lẽ sẽ tiếp diễn thời gian dài.

V.L. (Theo THX)

Tin cùng chuyên mục