
Mặc dù còn không ít hạn chế nhưng những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn của Việt Nam trong giai đoạn qua là không thể phủ nhận. Để đạt được những thành tựu đó có phần đóng góp to lớn từ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, nhân dân.
Nỗ lực chung, công sức chung
So với những báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm (khai mạc ngày 20-10), tính đến cuối tháng 12, kết quả năm 2015 còn “đẹp” hơn. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, lạm phát được kiểm soát (lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước), chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (bình quân cả năm chỉ tăng 0,63%). Tuy chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua, đạt khoảng 6,68%, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%...

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016, trong 2 ngày 28 và 29-12-2015
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, những kết quả này tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới. Trong đó, đáng mừng nhất là cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả. Môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể. Hoạt động phát triển doanh nghiệp (DN) trong nước chuyển biến tích cực (có trên 21.500 DN trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay đã quay lại hoạt động, tăng gần 40% so với năm trước). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Nhìn lại năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua, bên cạnh thuận lợi rất cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới đem lại, đất nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ở bên ngoài, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh của thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông... đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trong nước, tuy đã đạt được những kết quả, những thành tựu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đất nước đã hội nhập sâu nhưng năng lực cạnh tranh của quốc gia, DN, của sản phẩm tuy có được cải thiện nhưng so với mong muốn còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, cho quốc phòng, an ninh còn rất hạn hẹp… Chính vì vậy, sự chuyển biến tích cực, rõ nét, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực của chúng ta trong thời gian qua là nỗ lực chung, công sức chung của cả nước, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Linh động, quyết liệt
Linh động, quyết liệt trong công tác điều hành
Chuyên gia kinh tế, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tốc độ tăng trưởng trong 5 năm qua bị tác động bởi khủng hoảng. Tuy nhiên, với công tác điều hành linh hoạt, kịp thời sửa chữa các tồn tại cũng như đi vào tái cơ cấu mô hình, cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết đi theo kinh tế thị trường mạnh mẽ… chúng ta đã vượt qua khó khăn, tạo nên những kết quả to lớn cho năm cuối của kế hoạch 5 năm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, năm 2015 GDP đạt 6,68% là nỗ lực rất lớn trong điều hành của Chính phủ, nhất là giữ ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nhận xét, các văn bản của Chính phủ được ban hành kịp thời, tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều, cải cách hành chính mạnh mẽ... tái đầu tư công mạnh mẽ.. Tất cả điều đó góp phần cho tăng trưởng kinh tế tăng cao nhất trong 8 năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận xét, bài học rút ra trong năm 2015 là nắm tình hình nhanh nhạy hơn, điều hành nhạy bén hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn, không để bị động, bất ngờ, phối kết hợp tốt hơn với các bộ ngành, địa phương. Minh chứng là dù giá dầu biến động rất lớn (kế hoạch là 100 USD/thùng nhưng thực tế chỉ đạt hơn 50 USD/thùng, giảm thu trực tiếp từ giá dầu 63.000 tỷ đồng) nhưng thu ngân sách dự kiến vượt 7% so với dự toán. Đó là chưa kể Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, tình hình biển Đông phức tạp..., nhưng chúng ta vẫn giữ ổn định. Một điểm nổi bật của cả nhiệm kỳ qua, nhất là trong năm 2015, đó là vị thế của Việt Nam đã không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, hội nhập sâu rộng với thế giới. Cùng với đó, chất lượng cơ sở hạ tầng được cải thiện một cách rõ rệt, đã làm thay đổi diện mạo của cả nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác trên 300 công trình, dự án, trong đó có các công trình, dự án quan trọng như các đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng...
Trong 5 năm tới, đất nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế khi Cộng đồng ASEAN hình thành, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước là nền kinh tế lớn nhất thế giới… Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, đất nước phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt. Cùng với đó, theo dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phấn đấu nỗ lực, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm tốt đã được đúc rút từ thực tiễn. Ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi. Bám sát diễn biến tình hình, có những chính sách phù hợp để ứng phó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016 và cả 5 năm 2016 - 2020. “Mục tiêu cuối cùng là tất cả vì sự phát triển, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
LÂM NGUYÊN