Kiều hối

Một nguồn lực phát triển kinh tế

Một nguồn lực phát triển kinh tế

Chỉ tính riêng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức được phép chi trả kiều hối, lượng tiền kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2005 đạt nhiều tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2004 và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

  • Đổi mới chính sách, thu hút mạnh kiều hối

Chính sách ngoại hối của Việt Nam trong mấy năm gần đây ngày càng cởi mở, thông thoáng. Ông Phạm Văn Tân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết: Nếu trước đây lượng kiều hối gửi về hạn chế và bị kiểm soát rất chặt, người nhận không được lựa chọn loại tiền mình muốn và phải chịu thuế thu nhập, cơ chế hoạt động kiều hối khá ngặt nghèo và các dịch vụ tiện ích không phục vụ đến nơi đến chốn… thì nay, tất cả những khiếm khuyết đó không còn nữa, thậm chí người nhận tiền kiều hối cũng không cần phải đến ngân hàng và không phải mất nhiều phí.

Một nguồn lực phát triển kinh tế ảnh 1

Các ngân hàng cổ phần được thành lập công ty kiều hối nay đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Chính phủ cũng đã cho nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả Việt kiều trong các công ty niêm yết từ 30% lên 49%. Điều này rất có ý nghĩa đối với việc thu hút kiều hối. Việc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) mới đây công nhận Việt Nam thực hiện tự do hóa các giao dịch vãng lai đã đánh mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế về mặt ngoại hối.

Trong tổng số kiều hối gửi về nước bằng con đường chính thức, riêng tại TPHCM đã chiếm khoảng phân nửa và tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2004. Các tổ chức trong nước làm dịch vụ kiều hối mạnh đa số là ngân hàng cổ phần, như Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Quốc tế… Những đơn vị làm kiều hối ngoài ngân hàng được biết đến nhiều là Trung tâm Dịch vụ kiều hối Bến Thành; Công ty Kiều hối Toàn Cầu, Công ty Thương mại Eden (làm đại diện của tổ chức kiều hối toàn cầu Western Union).

  • Nguồn lực phát triển

Kiều hối đang trở thành một nguồn lực tài chính đáng kể đối với nhu cầu tăng trưởng kinh tế đất nước. Ngoài lượng kiều hối của bà con Việt kiều, trong năm qua, số ngoại tệ của người Việt đi hợp tác lao động và làm chuyên gia ở nước ngoài gửi về nước khoảng trên dưới 1,7 tỷ USD.

Nguồn kiều hối này tiếp tục tăng mạnh một khi chính sách xuất khẩu lao động được cải thiện và thực hiện tốt trong những năm tới. Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM, phần lớn số kiều hối gửi về nước được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh thay vì để giúp cải thiện đời sống gia đình như trước đây.

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập mới trong năm qua tăng lên rất nhiều có phần vốn từ nguồn kiều hối. Tiền kiều hối được đưa vào đầu tư dưới nhiều hình thức công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, góp vốn cổ phần, đầu tư chứng khoán… TPHCM có rất nhiều doanh nghiệp Việt kiều sử dụng nguồn vốn kiều hối đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và tạo được thương hiệu của Việt Nam về sản xuất phần mềm.

Các dự án về phát triển du lịch và công nghệ cao cũng có nguồn vốn kiều hối tham gia. Đặc biệt, nguồn kiều hối đã tác động tích cực đến phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng ngày càng đa dạng và góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán của Việt Nam. 

ANH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục