Một nhân sĩ ra đi bằng tấm lòng với nước non

Chiếc cầu Sài Gòn hôm nay vẫn còn soi mình bề thế trên dòng sông Sài Gòn, nhưng ngày đó, nếu không có sự khôn khéo của ông Tư Hạnh - Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, chiếc cầu đã bị đánh sập. Đó là khi tướng Lê Minh Đảo, Sư trưởng Sư đoàn 18 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đề nghị Tổng thống Dương Văn Minh phá sập cầu, ngăn “Việt cộng” tiến vào Sài Gòn, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã phản đối kịch liệt, và được Tổng thống Dương Văn Minh thuận theo.
Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và gia đình đến thăm trụ sở mới của MTTQ TPHCM năm 2018
Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh và gia đình đến thăm trụ sở mới của MTTQ TPHCM năm 2018

Việc tôi làm vì Tổ quốc

Mấy ngày qua, tin Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng, Quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã qua đời ở tuổi 96, để lại bao nỗi bùi ngùi, tiếc thương trong lòng người dân. Thiếu tá Nguyễn Văn Ri, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, nhớ lại lần cùng đoàn MTTQ TPHCM đến Châu Thành, Tiền Giang thăm Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh (ông Tư Hạnh), đồng thời kiểm tra tiến độ thi công ngôi nhà mới cho ông, do MTTQ TPHCM vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Khi đó, bà Nguyễn Thị Hiệp, người vợ sau của ông, cho biết, mấy chú hỏi ông Tư Hạnh điều gì, cứ hỏi tôi, vì dạo này ông lãng trí lắm. Không ngờ ông Tư Hạnh đưa tay ngăn lại, dõng dạc: “Tôi không có lãng trí, vì lãng trí sẽ nói bậy. Tôi chỉ tuổi già sức yếu, hay bị quên thôi”. 

Như hiểu mọi người muốn hỏi vai trò của ông trong ngày lịch sử 30-4-1975, ông nhấn mạnh: “Những gì tôi đã làm trước kia, hoàn toàn không vì ai, không vì bất cứ điều gì, tôi làm theo trái tim tôi, vì Tổ quốc, vì nước Việt Nam”. Mọi người chợt yên lặng, lòng thấy rưng rưng nhìn ông bằng ánh mắt đầy kính mến. Dù không nói ra, nhưng trong tâm tư tình cảm của mình, như hòa chung một suy nghĩ “Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh là một người có tinh thần yêu nước nồng nàn, dám vì đại cuộc mà bất chấp mọi nguy hiểm của bản thân, cho tương lai sự nghiệp. Ông đã trở thành nhân vật của lịch sử, có thể nói ông là người có công lớn với non sông đất nước, đặc biệt đối với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Quả là sâu nặng ân tình dễ nào quên. Bằng ảnh hưởng của mình, ông đã tác động Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ miền Nam buông súng vào ngày cuối tháng 4-1975. Nếu không, cuộc tấn công vẫn diễn ra, quân ta cũng chiến thắng, nhưng khó tránh khỏi đổ máu, làm điêu tàn Sài Gòn”. 

Bản nhật lệnh lịch sử

Trong lễ bàn giao ngôi nhà mới tặng ông ở Châu Thành, Đại tá Phạm Ngọc Thế, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, kể lại: Cuối tháng 4-1975, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, đã điện chỉ đạo Tỉnh ủy Cần Thơ phải đưa Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, đang nghỉ hưu ở Cần Thơ, lên Sài Gòn ngay trong đêm 27-4, để sáng 28-4-1975 gặp tướng Dương Văn Minh nhận nhiệm vụ mới trước giờ tướng Minh nhậm chức Tổng thống... Theo kế hoạch, sau khi tướng Cao Văn Viên di tản, Trung tướng Vĩnh Lộc lên thay và đã bổ nhiệm Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng. Ngay khi tướng Vĩnh Lộc đào tẩu, với tư cách Quyền Tổng Tham mưu trưởng, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra nhật lệnh: “Thưa quý vị sư đoàn, quân binh chủng địa phương quân, nhân dân tự vệ. Tôi, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng - Trung tướng Vĩnh Lộc (đã vắng mặt) yêu cầu quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngừng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngừng bắn một cách không đổ máu”. Bản nhật lệnh đơn giản, nhưng hết sức thuyết phục, đã đi vào lịch sử.

Tin cùng chuyên mục