
“Cơ duyên vô tình đưa tôi đến với giáo dục, nhưng níu chân tôi gắn bó với nghề ngần ấy năm chính bởi sự hữu tình của nó. Cuộc đời tôi được học, được tiếp xúc với những người thầy quá tốt, quá tuyệt vời và nhiều học trò của tôi cũng giỏi giang”. 90 tuổi đời, 65 năm duyên nợ với nghề dạy học nhưng, GS-NGND Hoàng Như Mai vẫn sẽ “chọn nghề dạy học nếu được chọn lại”, thầy nở nụ cười hạnh phúc sau lời bộc bạch.

Đồng chí Phan Xuân Biên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM mừng thọ GS-NGND Hoàng Như Mai. Ảnh: Đ. TRÍ
Nụ cười của thầy luôn chân tình, ấm áp, đôi khi hóm hỉnh, nếu đã được học thầy, các thế hệ học trò không thể nào quên. Nhiều sinh viên, học viên (SV, HV) cao học, nghiên cứu sinh chịu ảnh hưởng bởi phong cách giản dị, phương pháp tư duy và phương pháp sư phạm của thầy.
Lẽ dĩ nhiên, người thầy đáng kính Hoàng Như Mai có rất nhiều học trò, thầy đã “năn nỉ” mọi người đừng đề cao thầy, đừng làm lễ mừng thọ long trọng sẽ khiến thầy “xấu hổ”.
Thế nhưng, không thể “chìu ý” thầy, các đồng nghiệp, học trò vẫn muốn tổ chức một buổi lễ không chỉ để mừng thọ thầy mà còn nhằm tôn vinh một cuộc đời đẹp, đức độ có nhiều cống hiến cho xã hội.
PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM, tuy không biết làm thơ nhưng cũng đã tặng thầy câu đối: “Cổ thập mai vàng xuân vẫn thắm/Trăm năm chim đỏ đậu cành cao”. Do vậy, đến mừng thầy tròn 90 tuổi, ngoài đồng nghiệp, học trò, còn có rất nhiều SV chưa bao giờ có may mắn được học thầy nhưng vẫn gọi thầy một cách thân thương.
Trịnh Hoàng Thiên Thư, SV năm 3 lớp Hán – Nôm đi xe buýt từ Thủ Đức lên Trường ĐH KHXH-NV để được nhìn tận mặt, nghe tận tai những lời khuyên tâm huyết của thầy: “Em “mê” những bài thơ rất đỗi bình dị nhưng hào sảng của thầy Hoàng Như Mai. Nhiều lần được nghe các thầy cô nhắc đến thầy với sự tôn kính nên em rất ngưỡng mộ thầy. Vậy là từ 5 giờ sáng, em và nhóm bạn cùng lớp đã chuẩn bị lên Sài Gòn để được mừng thọ thầy”.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, một trong những học trò xuất sắc của thầy Hoàng Như Mai, do bận công tác đúng ngày 20-9 nên ông đã đến chúc thọ thầy trước và tặng thầy bài thơ. Trong đó có đoạn: “Đêm thanh mới biết hương nhài/ Câu thơ thầy dạy, đường dài con đi/ Thác ghềnh đâu có quản chi/ Ngựa hay thử sức, nhất khi bão bùng”.

Các thế hệ sinh viên mừng thọ Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai 90 tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đã 65 năm kể từ cái ngày “gật đầu” nhận lời giúp bạn dạy giùm lớp Pháp văn, GS-NGND Hoàng Như Mai đã gắn bó và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, văn chương.
Giờ đây, mái tóc đã bạc, tay đã run nhưng mắt thầy vẫn sáng để chứng kiến nhiều thế hệ học trò đã thành tài, giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Giọng của thầy vẫn hào sảng nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Thế hệ trẻ có nhiều triển vọng làm rạng danh đất nước. Các bạn trẻ nên nạp cho nhiều kiến thức, đọc thật nhiều sách. Tôi rất tiếc vì đến bây giờ mới có thời gian đọc lại những cuốn sách hay và ao ước nếu được đọc sớm hơn, có lẽ tôi sẽ làm nhiều việc tốt hơn, sẽ viết chín chắn hơn…”.
Vậy đó, cái tình của thầy đối với học trò, đối với GD-ĐT không chỉ kết tinh ở hơn 1.000 bài báo đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không chỉ đóng góp nền tảng đối với sự phát triển của khoa Văn học-ngôn ngữ (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), dẫn dắt nhiều nhà khoa học, mà còn là nỗi trăn trở với sự phát triển của đất nước. Thầy nhiều lần tâm sự: “HS, SV của Việt Nam có đầy đủ phẩm chất, tài năng để sánh vai cùng các nước phát triển. Nhưng SV nước mình nghèo quá, cái nghèo làm thui chột đi rất nhiều tài năng. Làm thế nào để cho không sao bị bỏ học giữa chừng vì không đủ tiền đi học, làm thế nào cho SV ai cũng được ăn chén cơm, củ khoai buổi sáng trước khi đến giảng đường?”.
Thầy đưa ra ý tưởng thành lập Quỹ Hỗ trợ SV nghèo của khoa Văn học-ngôn ngữ và thầy tình nguyện làm chủ tịch, là người đóng góp đầu tiên. Thầy cũng đưa ý tưởng: Hôm các anh làm lễ mừng thọ thầy, thầy sẽ không nhận hoa và quà của quan khách, cựu SV mà kêu gọi mọi người thay vì cho thầy thì dùng tiền ấy góp cho Quỹ Hỗ trợ SV nghèo.
“Chúng tôi cảm động đến rơi nước mắt, cho đến năm 90 tuổi, không còn sức để dạy học trò về chữ nghĩa nữa, thầy vẫn đem chính bản thân mình ra để dạy học trò về lòng nhân ái”, ông Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học-ngôn ngữ xúc động nói.
Lòng nhân ái của thầy cũng đã lan tỏa đến hơn 2.200 HS của Trường Trung học tư thục Trương Vĩnh Ký – ngôi trường thầy đang làm. Các HS của trường đã chọn ngày 20-9, ngày mừng thọ thầy đi giúp đỡ các bạn HS nghèo, khó khăn của vùng biên giới tỉnh Tây Ninh với hơn 65 triệu đồng, 30.000 quyển tập, sách giáo khoa, 15.000 cây viết, quần áo cũ… như là một món quà có ý nghĩa mừng thọ thầy.
Thưa thầy, Em kính chúc thầy, cô an khang, trường thọ, tiếp tục có những cống hiến quý báu cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và GD-ĐT của nước nhà. Em giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về thầy – thầy Hoàng Như Mai – Giáo sư, Nhà giáo nhân dân – một người thầy đức độ, tài hoa, tâm huyết, chân tình. Em không bao giờ quên công lao dạy dỗ của các thầy, không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ nhưng đầy sôi nổi, hào hứng của tuổi trẻ sinh viên được gần gũi, học tập các thầy. Nguyễn Phú Trọng, một học trò cũ của thầy. |
D.DOANH – T.HÀ