* Tập trung mọi lực lượng khắc phục hậu quả
(SGGPO).- Đến 11 giờ ngày 24-2, các lực lượng của Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn TP Hồ Chí Minh cùng lực lượng tại chỗ đã tìm thấy và đưa được 10 xác nạn nhân trong vụ nổ và cháy lớn làm sập 3 căn nhà, chôn vùi nhiều người xảy ra tại hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Khoảng 0 giờ 15 phút ngày 24-2, người dân ở hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (khu phố 4, phường 8, quận 3) bàng hoàng thức giấc khi nghe 2 tiếng nổ lớn.
Chị Nguyễn Thu Lan, nhà ở gần đó, cho biết: “Khi nghe tiếng nổ đầu tiên, tôi và gia đình vội chạy ra khỏi nhà và phát hiện có một vài người bị thương văng ra ngoài. Khi tôi định đưa mấy người đó đi cấp cứu thì thêm một tiếng nổ nữa phát ra. Rồi lửa bốc lên, khói đen dày đặc, nồng nặc mùi thuốc súng”.
Ông Trịnh Chí Thạnh (50 tuổi) nhân viên bảo vệ cửa hàng bán sơn nước Sơn Tinh tại số 384/7A (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3) kể, khoảng 0 giờ ngày 24-2, sau khi đi kiểm tra các cửa ra vào, chưa kịp đặt lưng xuống giường thì nghe tiếng nổ cực lớn, làm rung chuyển căn nhà. Lập tức bức tường phía sau cửa hàng sơn nước ầm ầm đổ xuống, kèm theo đó những ngọn lửa ngùn ngụt ập đến.
“Tôi chạy ra ngoài mà gạch đá rơi tứ tung vào người, căn nhà chao đảo mạnh. Đến giờ tôi vẫn chưa tin mình may mắn thoát khỏi tay tử thần”, ông Thạnh nhớ lại.
Ông Phạm Quang Minh (81 tuổi) kể: “Lúc đó tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, mở mắt nhìn quanh thì thấy căn nhà rung chuyển, mái tôn đã bị thổi bay. Tôi cố đi đến và nép sát vào vách tường, ngồi im ở đó. Khoảng 1 giờ sau thì được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài”.
Được biết, tối 23-2, ông Phương chuẩn bị đạo cụ đi Vũng Tàu quay một phim vào ngày 24-2. Theo nhận định ban đầu, vụ nổ xảy ra là do hợp chất thuốc nổ sử dụng trong đạo cụ làm phim gây ra.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115, nạn nhân Hồ Sỹ Cường (81 tuổi) đang trong tình trạng nguy kịch, tiên liệu xấu. Ông Cường nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do sức ép của vụ nổ quá lớn.
Hai nạn nhân còn lại trong vụ nổ là Phạm Quang Minh (cùng 81 tuổi) và Lưu Thị Rép (70 tuổi) chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng.
Khoảng 8 giờ cùng ngày, thi thể bà Nguyễn Thị Tân Xuân (44 tuổi) và cháu Lê Khánh Phương (17 tuổi) được đưa ra khỏi hiện trường. Hơn 1 giờ sau, 3 thi thể nữa đã được chuyển về nhà xác. Khoảng 9 giờ, xe chuyên dùng phá dỡ đã đến hiện trường.
Đến khoảng 11 giờ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy thêm 5 thi thể. Tính đến thời điểm đó, 10 thi thể nạn nhân đã được đưa ra khỏi hiện trường.
|
*****
Đêm định mệnh
Tối 24-2, trước Vãng sanh đường của chùa Vĩnh Nghiêm, nơi đang quàn thi thể các nạn nhân trong vụ cháy, nổ thương tâm này, rất đông người đứng chờ để được vào viếng và chia buồn với gia đình nạn nhân. Không khí tang thương nặng trĩu trên những khuôn mặt người thân, bạn bè những người đã mất…
Lớp 11B2 mất đi một nụ cười
Trong vụ nổ này, gia đình ông Lê Minh Phương tổn thất nhân mạng nhiều nhất, gồm vợ chồng ông, 3 người con từ 7 đến 17 tuổi và một người nghi vấn là em gái ông. Nhiều học sinh là bạn học cùng trường với các em Lê Khánh Phương, Lê Minh Quân (con gái, con trai ông Phương) ôm nhau khóc, không ngừng lặp đi lặp lại: “Tao không tin nổi, mày ơi”. Các em cầm trên tay hoa sen hồng và các chuỗi hoa lài như lời cầu chúc hương hồn bạn mình sớm được an nghỉ.
Trong sự kiện này, ít ai nghĩ rằng mạng Facebook đã góp một phần khá quan trọng trong toàn bộ thông tin được cập nhật liên tục. Khoảng 0 giờ 20 phút ngày 24-2, mạng Facebook đã “nóng” lên sau tin nhắn đầu tiên của một bạn trẻ ở gần khu vực xảy ra sự cố. Tin nhắn chỉ vỏn vẹn dòng chữ: “Hình như có cháy”. Cũng cần nhắc thêm, đây là thời điểm các bạn trẻ học lớp 11 tập trung ôn tập thi giữa học kỳ 2. Hàng trăm bạn trẻ vẫn đang thức.
Lập tức hàng trăm câu hỏi dồn dập: “Ở đâu? Vì sao? Thế nào”. Vụ việc được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thông tin ban đầu cũng chỉ là một căn nhà trong hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hơn 8 giờ sáng cùng ngày, khi thông tin chính thức xuất hiện trên Báo SGGP online và các báo mạng thì một không khí tang tóc đã bao trùm Facebook của các bạn trẻ. Từ thông tin ban đầu về số nhà, tên tuổi của Lê Khánh Phương đã lan truyền đến các bạn trẻ đang học lớp 11 Trường Marie Curie và các trường THPT ở quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Tại Vãng sanh đường chùa Vĩnh Nghiêm, thầy Đồng Văn Đạt, chủ nhiệm lớp 11B2, lặng lẽ giấu dòng nước mắt. Trên Facebook với nick name Đạt Đồng, thầy Đạt đã viết: “Vĩnh biệt cô học trò đáng yêu, hồn nhiên của tôi. Tôi đã mong đó không phải là sự thật, khi thấy số nhà trên trang mạng tôi luôn nghĩ rằng đó không phải là của em. Lớp 11B2 đã mất đi một nụ cười. Tất cả vẫn nhớ về em. Thật nhẹ nhàng, thanh thản nhé”.
Thầy Hồ Tấn Minh, dạy môn Sinh vật, đã viết trên Facebook: “Nếu thật sự có thế giới bên kia, thầy cầu cho con về thế giới cực lạc. Con chưa thực hiện được ước mơ, hoài bão, chưa trọn vẹn nụ cười trong hạnh phúc, chưa hoàn thiện được sự khôn ngoan trong cuộc sống. Chưa kịp tặng con tấm ảnh chụp ở kỳ đi du lịch ở Đà Lạt vừa rồi, thì…”.
Trang Facebook của Lê Khánh Phương có nick name “Syft Kp” đã tiếp nhận hàng ngàn câu nhắn. Bạn Kiều Ngân, bạn thân của Khánh Phương đã nhắn dòng chữ: “Buồn quá! Phương ơi! Bạn hãy yên nghỉ, chúng tôi luôn bên bạn!”. Khôi Nguyên, bạn chung khối 11 Trường Marie Curie: “Mình sẽ nhớ bạn lắm! Vậy là trong lớp mất tiếng cười của bạn rồi! Hình bóng của bạn vẫn ở lớp mình! Nhìn thấy bạn nằm đó, mà mình không tin đó là bạn. Ôi tiếng cười của bạn vẫn văng vẳng bên tai lớp mình”. Đến 22 giờ 30 phút, tin nhắn vẫn dồn dập đổ về…
- Đứt từng đoạn ruột
Tại Nhà tang lễ Bệnh viện An Bình, nơi các thi thể được chuyển về ngay sau khi đưa ra khỏi hiện trường, bà Phan Thị Kim Sang, vú nuôi làm việc cho gia đình ông Phương, kể: “Có bà vú ở xóm thân với tôi lắm, bả điện cho tôi hay. Lúc đó là 0 giờ 40. Bình thường tôi ở chung nhà với ông Phương, tết này tôi về quê Đồng Tháp. Hôm mùng 8 Tết, ông Phương xuống đón bé Sóc (bé Nam Phương) lên đi học. Ai dè học được có 5 ngày... Tôi chăm mấy đứa nhỏ từ ngày chúng nó mới sinh. Sóc kêu tôi bằng mẹ vú không hà. Tôi như đứt từng đoạn ruột. Phải chi ba nó không đón lên... Tôi coi Sóc như con của tôi. Khi biết nói chuyện là Sóc đã kêu tôi bằng mẹ. Nó nói mẹ vú đừng có chồng nữa, con lớn con làm có tiền con nuôi mẹ”.
Đeo bám ở hiện trường ngay từ sáng sớm, đồng thời là người trực tiếp tham gia nhận diện nạn nhân, anh Phan Minh Trung, nhân viên phụ trách thiết kế, trang trí cho gia đình ông Phương, kể: “Lúc khiêng ra, ông Phương, bà Phước vẫn còn nguyên vẹn. Tui nhớ ổng còn mặc cái quần đùi. Minh Quân bị đè móp một bên mặt. Bé Nam Phương bị cháy hai bàn tay. Riêng xác chết được nghi là của chị Tuyết, em gái ông Phương, bị cháy đen không nhận dạng được”. Đến cuối giờ chiều, người nhà chị Tuyết từ Đà Lạt xuống đến nơi để nhận diện xác cháy đen nhưng vẫn không tìm ra bất cứ đặc điểm nào để xác định đó là chị Tuyết. Cơ quan chức năng quyết định giữ thi thể cháy đen còn lại làm thủ tục giám định ADN.
Đoàn Hiệp - Ái Chân - T.Đạt
-----
Sinh nghề tử nghiệp
Có hơn 10 năm trong nghề khói lửa trên phim trường, ông Lê Minh Phương (ảnh, trái) đã giữ vai trò chuyên gia khói lửa rất nhiều bộ phim (cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình).
Đạo diễn Tường Phương cho biết: anh Lê Minh Phương có cho tôi xem giấy phép hành nghề ghi rõ là chuyên gia chất nổ và anh chuyên làm súng săn. Anh cũng phụ trách các loại súng, đại bác trong các bộ phim. Nghề này nhiều khó khăn, rất nguy hiểm nhưng tiền không cao. Hiện chuyên gia về cháy nổ tại Việt Nam không nhiều. Cách đây hơn 10 năm, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu từng xảy ra tai nạn nổ đáng tiếc, khi hai chuyên gia đang pha chế thuốc nổ khiến anh Lập, chuyên gia cháy nổ, thiệt mạng, một mảng tường của hãng đổ sập.
N. HOA