Mùa nào cũng thương, trái nào cũng ngọt

Đất phương Nam, mùa hoa kiểng rầm rộ nhất phải kể đến là khoảng thời gian cuối năm, ở miệt Sa Đéc (Đồng Tháp), hay Chợ Lách (Bến Tre). Đặc thù địa lý, khí hậu mưa nắng hai mùa cùng dòng phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đất Nam bộ nổi bật cây trái bốn mùa, miệt vườn trù phú.
Ghe thương hồ xuôi ngược theo sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh: BÙI QUỐC SỸ
Ghe thương hồ xuôi ngược theo sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh: BÙI QUỐC SỸ

Xuôi theo địa hình với sông rạch chằng chịt, trái cây miệt vườn theo ghe thương hồ cập bến khắp các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. Còn đó, Bến Bình Đông (quận 8, TPHCM) với lịch sử hình thành hơn 300 năm, minh chứng cho một thời giao thương nhộn nhịp theo con đường sông nước. Nhịp sống phát triển, mở ra nhiều cung đường về các tỉnh miền Tây Nam bộ, trái cây vận chuyển từ nhà vườn cũng theo xe chạy bon bon, kịp các chuyến hàng về chợ đầu mối buổi sớm mai. Trái nào đến tay khách cũng tươi ngon, mơn mởn vì không còn cảnh chờ nước lớn, nước ròng để vận chuyển.

Và không khí trên bến dưới thuyền lại về giữa phố khi tiết trời bắt đầu vào mùa mưa, cũng là mùa Nam bộ có nhiều trái ngon. Ghe từ các tỉnh miệt vườn cập bến trước khoảng một tuần, để chuẩn bị cho “Tuần lễ trái cây trên bến dưới thuyền” tổ chức tại Bến Bình Đông từ ngày 28-5 đến ngày 4-6.
Như một sự tiếp nối không khí chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền”, ghe trái cây từ các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… ghé lại, để khách gần xa mua sắm. Trái vào mùa đang rộ, đầy ắp trên ghe, chôm chôm đỏ ửng, trái nhãn tròn trĩnh, hay sầu riêng gai góc, đều có đủ. Và sóng nước cứ miên man vỗ mạn thuyền lúc lớn lúc nhỏ, tiếng người mua bán í ới… nét duyên quê lại về giữa phố.

Đất phù sa bồi đắp, trái cây miệt vườn tươi tốt quanh năm, nhưng không hẳn là trái nào cũng ngọt. Cả buồng dừa xanh, chỉ mỗi đất Cầu Kè (Trà Vinh) mới đậu được trái dừa sáp đặc sản, thì trái trong vườn ngọt - chua cũng là bình thường. Nhưng vị ngon, cái ngọt đôi khi không đến từ đầu lưỡi, mà thấm trong đó là những tảo tần sớm hôm, chắt chiu, chăm sóc từng bông hoa đậu thành trái, rồi tới mùa chờ thương lái thu mua, dành làm của cho thằng Hai, con Út đi học trên thành phố.

Dân quê sống với ruộng vườn, nên cây trái cũng là tài sản. Xây cái nhà cũng hoàn thiện dần theo mùa lúa ngoài đồng, mùa trái trong vườn. Bán lúa xong thì tô tường, tới mùa sầu riêng thì bắt đầu sơn nước, lót gạch bông… Mùa nối mùa đi qua, nhà cửa bắt đầu khang trang dần, những mùa trái sau thì tính đến chuyện mua sắm đồ đạc, thành ra mùa nào cũng thương, trái nào cũng ngọt là vậy.

Và tài sản cây trái đó, cũng thành món quà mà quý nhau lắm người ta mới tặng. Những năm đầu đại học, mỗi lần về quê lên, bạn tôi lại đưa túi vú sữa, rồi khẽ dặn: “Trái ngon, loại nhất nha”. Sở dĩ bạn không dám nói lớn vì của đâu mà cho hết cả lớp, chỉ lựa vài trái cho mấy đứa bạn thân. 

Được mùa được giá hay được mùa mất giá, cũng tùy theo thời thế, nhà nông thời 4.0 cũng không dễ mà ăn hiếp. Và hơn hết là đám nhỏ lớn lên, học hành bài bản từ mớ “tài sản cây trái” cũng bắt đầu trở lại quê nhà, làm nông một cách bài bản, kỹ thuật… Trái ngon quê nhà cũng bắt đầu lên các sàn thương mại điện tử, xuất khẩu sang tận trời Tây mang vị ngọt của đất quê hương, vị ngọt của tình thương tía má.

Có những mùa trái mà vị chua đến từ giọt nước mắt, mồ hôi của người nông dân khi gặp cảnh “được mùa mất giá”. Nghề nào thì cũng như sông có khúc, người có lúc, dân miệt vườn “kệ” một tiếng rồi lại cày cuốc với ruộng đồng, canh mưa canh nắng để chăm cây, sạ lúa… rồi chờ một mùa bội thu.

Tin cùng chuyên mục