Mặc dù trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh TPHCM được đánh giá là vượt trội so với cả nước, nhưng còn xa mới đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế. Cần đầu tư đổi mới cách dạy, cách học như thế nào để trang bị hành trang tiếng Anh đủ chuẩn cho học sinh TPHCM? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu (ảnh), Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, TPHCM có nhiều nỗ lực đổi mới, cải thiện năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh ở các cấp học nhưng cơ hội được học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế vẫn chưa phủ sóng rộng như mong muốn?
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Đúng vậy. Nhưng phải khách quan nhìn thấy những nỗ lực và thành quả bước đầu mà TPHCM, ngành GD-ĐT TP đã cố gắng đầu tư, chủ động tạo sự đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh. Cụ thể, sau hơn 10 năm triển khai, chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) tại TPHCM đã đóng vai trò chiến lược trong đổi mới dạy - học tiếng Anh theo chuẩn. Không chỉ đổi mới giáo trình, tăng thời lượng học gấp 3 lần so với quy định mà học sinh còn được rèn luyện kỹ 4 kỹ năng, thực hành giao tiếp với giáo viên bản ngữ. Cùng với việc mở đại trà chương trình TATC, các trường học ở TPHCM đều dạy chương trình tiếng Anh tự chọn, theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, TPHCM còn thí điểm dạy các môn Toán, khoa học bằng tiếng Anh.
Đến nay, 100% học sinh của TPHCM đã được học tiếng Anh, trong đó nhiều trường tiểu học, THCS, THPT đã cố gắng đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để thực hiện mục tiêu dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh trong môi trường chuẩn, có điều kiện giao tiếp, rèn luyện kỹ năng với giáo viên bản ngữ chưa nhiều, nhất là khu vực vùng ven, ngoại thành.
* Theo ông, trở ngại lớn nhất trong đổi mới dạy và học tiếng Anh theo chuẩn ở TPHCM là gì?
* Thứ nhất là cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu và sĩ số lớp học quá đông nên khó mở rộng cơ hội, tạo môi trường dạy - học tiếng Anh theo bài bản, theo 4 kỹ năng. Trước áp lực tăng dân số cơ học quá lớn, dù xây thêm hàng ngàn phòng học mỗi năm, TPHCM cũng chỉ đáp ứng cơ bản về chỗ học và không thể đảm bảo sĩ số thấp theo chuẩn quy định là 35 học sinh. Với sĩ số lớp học bình quân cao trên dưới 50 học sinh/lớp thì khó có thể dạy và học ngoại ngữ hiệu quả. Thứ hai là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh của TPHCM dù đã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhưng chưa đạt yêu cầu về chuẩn kỹ năng, nhất là số giáo viên lớn tuổi.
* Vậy làm thế nào để học sinh TPHCM có môi trường học tiếng Anh chuẩn và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thành thục?
* Thực tế cho thấy, muốn học tốt ngoại ngữ, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh thành thạo thì phải tạo môi trường giao tiếp, thực hành thường xuyên. Thấy rõ giải pháp mang tính quyết định này nhưng dù nỗ lực, ngành GD-ĐT TP cũng chưa thể tạo cơ hội cho học sinh vì còn nhiều trở ngại, khó khăn. Trước mắt, ngoài nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh theo chuẩn kỹ năng mà Bộ GD-ĐT yêu cầu, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục để tăng nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ. Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích các trường học mời giáo viên bản ngữ đến dạy các tiết thực hành, tạo cơ hội giao tiếp, rèn luyện kỹ năng nghe - nói cho học sinh. Hướng mở này đang nhân rộng và mục đích đặt ra là ít nhất học sinh có 1 giờ/tuần thực hành với giáo viên nước ngoài. Ngoài ra, TPHCM cũng tạo nhiều sân chơi rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh thông qua các cuộc thi Olympic, thi hùng biện tiếng Anh…
Cũng cần phải nói thêm là một bộ phận học sinh ở TPHCM có nền tảng tiếng Anh tốt, giao tiếp lưu loát, tỷ lệ đạt trình độ chuẩn quốc tế cao là nhờ sự đầu tư không nhỏ của phụ huynh khi cho con em học ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài từ nhỏ.
* Gần đây, TPHCM đã triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp và bước đột phá này đã tạo hiệu ứng đổi mới dạy - học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế như thế nào?
* Đây là chương trình ưu việt được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT với 3 môn tiếng Anh, Toán, Khoa học. Được học với thời lượng 8 tiết/tuần với 100% giáo viên bản ngữ, học sinh tiếp cận với phương pháp học tiên tiến, hiện đại và được giảm tải nội dung, kiến thức trùng lắp. Không chỉ phát triển kỹ năng toàn diện, có khả năng sử dụng ngôn ngữ vượt trội, học sinh còn thích ứng với chuẩn đầu ra quốc tế đa dạng. Tuy đã lan tỏa đến 60 trường với 3.000 học sinh theo học, nhưng chương trình này vẫn còn nhỏ hẹp vì chi phí học cao. Để mở rộng chương trình có nhiều tính ưu việt này, Sở GD-ĐT TPHCM đang có kế hoạch từng bước bồi dưỡng giáo viên người Việt đủ năng lực để tham gia, thay thế dần đội ngũ giáo viên bản ngữ.
* Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu hội nhập, phát triển bền vững của TP, ngành GD-ĐT TPHCM cần có thêm giải pháp đột phá nào để dạy và học tiếng Anh hiệu quả hơn?
* Như đã trao đổi về kết quả bước đầu và xác định rõ còn nhiều hạn chế, trở ngại trong lộ trình nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh theo chuẩn, ngành GD-ĐT TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Với sự quan tâm, đầu tư của TPHCM cho đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011- 2020”, TP đã tạo nền tảng và môi trường dạy - học tiếng Anh bài bản, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, học sinh tốt nghiệp THPT có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát thì các trường học của TP cần được đầu tư nguồn lực tài chính nhiều hơn. Ngoài cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần trả lương tương xứng để thu hút đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ, kỹ năng theo chuẩn quốc tế… Điều quan trọng nhất là tạo ra môi trường dạy - học theo chuẩn, trong đó học sinh có nhiều cơ hội thực hành, giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn.
KHÁNH BÌNH