Mượn văn hóa truyền tiếng Việt

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều sinh viên Trường Đại học Ca’ Foscari ở Venezia, Italy tìm đến với bộ môn tiếng Việt. Người thắp ngọn lửa say mê đó là cô Lê Thị Bích Hường (ảnh), giảng viên phụ trách môn Thực hành tiếng Việt của trường.

Người tận tâm

Cô Bích Hường đến Italy hơn 20 năm, nhưng có hơn 10 năm sang làm việc ở Brazil. Từ năm 2005, cô Bích Hường dạy tiếng Việt tại Brazil khi làm Giám đốc Các dự án hợp tác Italy - Brazil. Với mong muốn tìm về cội nguồn, cộng thêm lợi thế biết tiếng Italy, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Nga và đảm nhận công việc biên dịch, phiên dịch, cô bắt đầu nghiên cứu cách thức giảng dạy tiếng Việt ở nơi mình sinh sống.

Trở về Italy, cô dạy tiếng Việt với vai trò là tình nguyện viên cho Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam. Đến năm 2018, cô là giáo viên đảm nhận môn Thực hành tiếng Việt tại Trường Đại học Ca’ Foscari. Cùng với thầy Trưởng bộ môn Richard (Tran Anh Quang), cô từng bước xây dựng bộ môn tiếng Việt của nhà trường.

Do nhà cách trường tầm 200km, mỗi ngày, cô Bích Hường mất khoảng 4 giờ ngồi tàu quãng đường đi - về. Cũng có những ngày mệt mỏi, đau ốm, nhưng với quyết tâm và lòng yêu nghề đã giúp cô vượt qua. Sự thích thú, ham học của sinh viên là động lực để cô duy trì mọi tiết học trên lớp và những giờ học ngoại khóa, chăm chút tình yêu đối với ngôn ngữ và văn hóa Việt cho học trò.

Do là bộ môn mới thành lập, giáo trình dạy tiếng Việt của trường cũng chỉ có 2 cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Anh mà chưa có tài liệu chính thức nào chuyển thể sang tiếng Italy nên cô Bích Hường đã không quản vất vả tham khảo thêm nhiều sách dạy tiếng Việt, soạn bài, dịch ra tiếng Italy sao cho dễ hiểu và phù hợp nhất. “Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó đối với người nước ngoài nói chung và người Italy nói riêng, vì có nhiều dấu, thanh điệu. Làm sao để sinh viên có thể tiếp nhận một ngoại ngữ mới như tiếng Việt?” - câu hỏi này luôn khiến cô trăn trở. Và phương pháp giảng dạy sử dụng âm nhạc dân gian và các nhạc cụ dân tộc Việt Nam như trống, chiêng, chập cheng ra đời. Tình yêu với các làn điệu dân ca đã được cô truyền lại cho sinh viên trong từng bài giảng theo cách sinh động nhất. Qua đó, các em có thể hình dung ra được cao độ, trường độ của 6 thanh điệu một cách dễ dàng hơn.

Cô cũng khuyến khích các em viết nhiều bài luận tiếng Việt để thực hành các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng đã học. Dù việc phát âm của sinh viên chưa được chuẩn, nhưng các em đã hiểu biết về tiếng Việt và văn hóa Việt thông qua những nghiên cứu khá sâu rộng về quan họ Bắc Ninh, chèo, cải lương, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính... Cô còn mời nhiều nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Nam giao lưu trực tuyến với sinh viên như ca sĩ Tùng Dương, NSND chèo Đoàn Thanh Bình giới thiệu về chèo cổ, nghệ sĩ Linh Huyền giới thiệu về cải lương. Ngoài ra, các em cũng học hát chèo, cải lương với các nghệ sĩ để có thể hiểu được cách diễn các trích đoạn nghệ thuật dân gian.

Quả ngọt

Hồn Việt là màn báo cáo kết quả học tập ấn tượng của sinh viên diễn ra vào tháng 2-2021. Chương trình được chuẩn bị trong 5 tháng. Các em dịch các bài thơ Việt Nam sang tiếng Anh, tiếng Italy, chuẩn bị phục trang dân tộc Việt Nam và viết lời Việt giới thiệu từng bài hát dân ca, từng điệu múa dân gian, cải lương. Hồn Việt cũng là chương trình lớn đầu tiên do sinh viên của một bộ môn mới được thành lập tại Đại học Ca’ Foscari tổ chức và thực hiện. Dù đồng hành cùng học trò trong các khâu chuẩn bị, cô vẫn không nén nổi xúc động khi xem, nghe sinh viên giới thiệu chi tiết về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Từng nét quê hương thân thương hiện ra sống động ngay trước mắt. Chương trình được cổ vũ nhiệt tình và được ban lãnh đạo Đại học Ca’ Foscari đánh giá rất cao.

“Chị có kế hoạch gì cho công việc sắp tới chưa ạ?”, tôi hỏi. “Có chứ. Mình sẽ đưa thêm Truyện Kiều vào chương trình giảng dạy, dàn dựng vở kịch Kiều theo cảm nhận của sinh viên. Ngoài các làn điệu dân ca cổ truyền, năm tới mình sẽ đưa thêm múa rối nước và hát xẩm vào chương trình và tiếp tục mở rộng việc áp dụng phương pháp học tiếng Việt qua nhạc cụ dân gian Việt Nam”, cô hồ hởi kể. Không dừng lại trong khuôn khổ trường học, lớp học của cô Bích Hường sẽ biểu diễn ở các chương trình văn hóa lớn tại Venezia (thành phố của Italy) và các tỉnh, thành khác. Cô cũng có dự định viết thêm sách giảng dạy ngữ âm.

Cô Bích Hường và học sinh tham gia chương trình Hồn Việt

Cô Bích Hường và học sinh tham gia chương trình Hồn Việt

Bên cạnh công việc giảng dạy, cô Bích Hường còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam. Hoạt động của hiệp hội đã nhận được sự đánh giá cao trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài và nước sở tại. Những lúc rảnh rỗi, cô Hường vẫn học hát quan họ, chèo, xẩm, học thêm nhạc cụ truyền thống, học ẩm thực Việt Nam để giới thiệu đến các bạn bè Italy và quốc tế. Trong thời gian dịch Covid-19, cô tổ chức thêm các hoạt động để hiệp hội có thu nhập giúp đỡ bà con khó khăn ở Việt Nam, sinh viên nghèo vượt khó và trẻ mồ côi.

Dù rất bận, nhưng cô giáo Hường luôn vui vẻ và khiêm tốn khi nhắc tới những việc bản thân làm được. “Mình luôn muốn mọi người ở Italy biết nhiều hơn về Việt Nam, vì ngôn ngữ là một công cụ có thể truyền tải, mở cánh cửa để hiểu biết các nền văn hóa khác nhau”, cô giản dị nói.

Tin cùng chuyên mục