Cù lao Thạnh Hội (xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được bao bọc bởi sông Đồng Nai, là vùng trồng rau, củ quả nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. Địa phương này còn có gọi cù lao Rùa, một địa danh có từ hàng trăm năm trước ở vùng đất Nam bộ.
Do ở gần TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nên sản phẩm ở cù lao Thạnh Hội chủ yếu cung cấp cho 2 chợ đầu mối lớn ở đất Trấn Biên là chợ Tam Hiệp và chợ Biên Hòa. Cù lao Thạnh Hội ngày nay lại càng đẹp hơn với những cây, trái đặc sản như bưởi, hành, trồng sau sạch đại trà, nuôi cá… đem lại nguồn thu nhập gấp 3 lần so với trước đây cấy lúa, trồng mía.
Đặc sản cây, trái
Du khách trong nước có dịp đến thăm thú vùng Đông Nam bộ trong những ngày này, nếu đứng trên núi Bửu Long (TP Biên Hòa) hay núi Châu Thới (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) phóng tầm mắt, với óc tưởng tượng phong phú nhìn cù lao Thạnh Hội sẽ thấy giống hình con rùa nổi lên giữa dòng sông Đồng Nai dạt dào sóng vỗ. Đồi đá cao (Tân Hội) là đầu rùa. Cồn đá là lưỡi rùa. Giữa hai đồi có rừng cây (gần bến đò Tân Hội) dài 300m, rộng 100m là cổ rùa. Ấp Nhựt Thạnh và đồng ruộng Tân Hội là thân rùa. Cồn Khai Long nhọn lấn ra ngã ba sông Cái là đuôi rùa. Ngày xưa, trong các hang đá tại đây còn có loài rùa đen và vàng sinh trưởng. Khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, đêm về, rùa thường bò ra khỏi hang ăn cỏ non. Người đi làm ruộng sớm thường bắt được rùa con. Rùa trưởng thành ở đây có khi lên đến 5kg.
Lão nông Hai Phát với mô hình trồng mướp leo giàn và trồng cỏ phía dưới để nuôi bò, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Giữa gió đồng lồng lộng, lão nông Hai Phát (69 tuổi, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội) ngâm nga: “Thạnh Hội trúng mùa, Bửu Long ấm bụng”. Rồi ông giải thích với chúng tôi: “Bửu Long là phường nổi tiếng của TP Biên Hòa, nằm sát sông Đồng Nai. Còn Thạnh Hội là xã ngoại ô của thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Do cách trở đò ngang hàng trăm năm nay giữa cù lao Thạnh Hội với các vùng lân cận của thị xã Tân Uyên, nên mỗi khi có việc gì cần là bà con trên xã đảo Thạnh Hội đến giao dịch, mua bán với dân ở phường Bửu Long cho gần”.
Cù lao Thạnh Hội có diện tích tự nhiên gần 430ha, vốn là vùng trồng lúa nước. Ruộng đồng ở đây chỉ cấy được lúa một vụ, cuộc sống nông dân tuy lãng tử với cá đồng, sông nước nhưng chẳng khá giả gì. Lão nông Hai Phát cho hay, do sông nước cách biệt, cù lao Thạnh Hội lẻ loi một mình trong thời buổi kinh tế bao cấp nên người dân chỉ biết bươn chải với ruộng đồng, sông nước để sinh tồn. Năm thất mùa thì bà con tản mát khắp nơi làm thuê, làm nghề rừng, vượt sông qua phường Bửu Long làm thợ đập đá. Riêng chuyện học hành của con em lúc bấy giờ khá gian nan, phải sang các xã khác học cấp 2, cấp 3. Năm 1980, nông dân Sáu Đỗ nhờ lấy vợ xã Tân Hạnh (TP Biên Hòa) nên đem cây hành lá cùng vợ con sang cù lao Thạnh Hội khởi nghiệp. Thấy nông dân Sáu Đỗ trồng hành tươi tốt, giá hành bán được 6.000 - 7.000 đồng/kg, thu nhập “khủng” hơn hẳn cây lúa, nông dân cù lao Thạnh Hội bắt đầu chuyển đất ruộng sang trồng hành. Nhờ cây hành, cuộc sống của bà con cù lao Thạnh Hội bắt đầu khởi sắc. Nông dân Hai Ngầu kể, thời kỳ những năm 1980 đến 1990, nhiều nơi còn khó khăn nhưng người dân cù lao Thạnh Hội đã có tiền cất nhà xi măng trên gò cao, thay cho những mái nhà lá xập xệ; còn sắm xe máy, ti vi, máy móc phục vụ nông nghiệp, thắp đèn bình sáng rực trong đêm để thu hoạch hành.
Cây hành cho nông dân cù lao Thạnh Hội cuộc sống đủ đầy được 10 năm thì bắt đầu thoái hóa giống, đất. Thấy vậy, nông dân Sáu Đỗ lại tiên phong đem cây bạc hà về trồng thử nghiệm thành công. Phát huy sự “tương thân, tương ái”, nông dân xã đảo lại chia sẻ nhau kinh nghiệm, mối lái để phát triển cây bạc hà. Năm 2005, nhận thấy vùng đất cù lao phù hợp phát triển vùng rau, củ, quả nên chính quyền xã Thạnh Hội bắt đầu đẩy mạnh công tác khuyến nông và đưa thêm các giống mới như: mướp, dưa leo, cải xanh, bí, đậu về cho nông dân trồng. Từ đó, rau củ quả xứ cù lao Rùa năm xưa lại nhộn nhịp theo đường sông, đường bộ về chợ Biên Hòa, Tam Hiệp và các chợ đầu mối khác của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. “Lúc chưa có cầu Thạnh Hội, nông dân cù lao chỉ có hai hướng giao hàng: chợ khu phố 5, phường Bửu Long và chợ Biên Hòa. Nay có thêm xe vào tận vườn để lấy hàng chở đi bán khắp nơi”, lão nông Hai Phát nói.
Nông thôn chuyển mình
Từ khi cù lao Thạnh Hội trở thành vùng chuyên canh rau củ quả, đời sống nông dân thêm gắn bó với thửa ruộng, khu vườn của mình hơn. 6 giờ sáng, nông dân thong thả ra đồng thu hoạch hoa màu. Vào mùa khô, thu hoạch xong, nông sản được chở về nhà hoặc để tại ruộng chờ tiểu thương đưa xe đến lấy hàng, trả tiền. Nông dân Ba Đó (ấp Thạnh Hiệp) bày tỏ, ông không bán hàng tại ruộng mà cùng nhiều nông dân khác hợp tác chở hàng về chợ đầu mối Biên Hòa bán sỉ cho được giá. “Ngày nào cũng vậy, 11 giờ khuya, nông dân cù lao Thạnh Hội rủ nhau chất rau củ quả xuống ghe máy, xuôi dòng Đồng Nai cặp chợ đêm Biên Hòa để bán đến 4 hoặc 5 giờ sáng hôm sau mới rủ nhau về. Hai chục năm nay, tôi và hơn chục bà con trong xã chọn phương cách này để bán hàng”, nông dân Ba Đó cho hay.
Trong tiết thu mát mẻ của vùng sông nước mênh mang, ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cho biết, với 233ha đất sản xuất rau màu và lúa, năng suất trung bình đạt 15 tấn màu/ha/vụ và 5 tấn lúa/ha/vụ, địa phương đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm khuyến khích nông dân tạo nguồn cung cấp rau củ quả sạch ra thị trường và giữ thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các đơn vị khuyến nông, bảo vệ thực vật của thị xã Tân Uyên động viên, tư vấn nông dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao. “Kinh nghiệm của nhà nông kết hợp với khoa học kỹ thuật đã sớm tạo cho vùng chuyên canh rau củ quả cù lao Thạnh Hội đảm bảo chất lượng, số lượng theo nhu cầu của thị trường”, ông Minh nhấn mạnh.
Cù lao Thạnh Hội trước kia vốn là cánh đồng bạt ngàn lúa và rau củ quả, được ngăn cách bởi các đường nội đồng, bờ bao bằng đất tạm bợ. Từ ngày địa phương khởi động chương trình nông thôn mới, các công trình bằng đất, chắp vá giờ đã được bê tông. Công trình đầu tiên khởi động làm “mát lòng” nông dân cù lao Thạnh Hội là nhựa hóa toàn bộ các tuyến đường trong xã với 11,2km; thi công cống ngăn lũ rạch Ông Chương (ấp Nhật Thành), bến đò Thạnh Hiệp; điện nội đồng phục vụ sản xuất… Đến cuối năm 2014, xã Thạnh Hội đạt 19/19 tiêu chí và 39/39 chỉ tiêu nông thôn mới. Không giấu được niềm vui, ông Trần Kim Quan, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, cho rằng, nông thôn mới vừa làm đẹp cù lao Thạnh Hội, vừa tạo thêm uy tín cho chính quyền địa phương. Đồng thời, nông thôn mới vẫn giữ được cốt lõi là nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, người dân Thạnh Hội là đối tượng thụ hưởng nông thôn mới nhiều nhất, trực tiếp nhất.
Từ thắng lợi của việc triển khai chương trình nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Hội đang chuyển mình theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái. Theo ông Trần Kim Quan, xứ sở cù lao tiếp tục giữ vững diện tích sản xuất 400ha quay vụ (trong đó, đất trồng cây hàng năm 170ha, quay vòng từ 2 đến 4 vụ/năm), phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó “điểm nhấn” là dịch vụ sinh thái vườn. Trong mảng thương mại - du lịch tập trung định hướng phát triển du lịch sinh thái vườn, phát triển các loại hình phục vụ du lịch; khuyến khích thành lập tổ hợp tác; hợp tác xã thu mua nông sản, dịch vụ sơ chế nông sản… “Địa phương hiện đang vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, phát triển các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng loại đất như: rau sạch nhà lưới, hoa kiểng, bưởi, vú sữa lò rèn… Trong đó, chú trọng trồng những loại cây ăn trái, rau củ quả phục vụ trực tiếp khi du khách đến xã nhà”, ông Quan nói.
Rời cù lao Thạnh Hội, trong chúng tôi đầy ắp niềm vui khó tả. Nơi sông nước này có cây trái xanh mướt ngoài đồng, các lão nông thì rất hóm hỉnh và hiếu khách. Chợt nghĩ, trong một tương lai gần, cù lao Thạnh Hội cũng sẽ nổi tiếng như vùng chuyên canh rau sạch Trà Quế (thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam) nơi miền Trung thân thương. Khi đó, khách Tây, khách ta sẽ tham gia tour “một ngày làm nông dân ở cù lao Rùa”, trả thù lao xứng đáng cho chủ nhà vườn sau một ngày lao động thực thụ, giá trị trên ruộng đồng.
ĐỨC TRUNG
|