Mỹ: Hơn 40 thành phố áp đặt lệnh giới nghiêm

Để đối phó với làn sóng biểu tình lan rộng nhằm phản đối vụ người đàn ông gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, chính quyền thủ đô Washington buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23 giờ ngày 31-5 (giờ địa phương) đến sáng 1-6. 

Chính quyền thủ đô Washington còn điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ Sở Cảnh sát Thủ đô. Lệnh giới nghiêm được áp đặt sau khi những người biểu tình đã đẩy đổ rào chắn trước Nhà Trắng, có nhiều hành động bạo lực và đụng độ với cảnh sát.

Cho đến nay, đã có hơn 40 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.

Cảnh sát Mỹ quỳ gối với người biểu tình ôn hòa
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính phủ nước này sẽ liệt tổ chức chống phát xít Antifa (Anti-Fascist) vào danh sách các tổ chức khủng bố. Một số quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho rằng, Antifa và “những kẻ kích động” khác đứng sau các cuộc biểu tình và gây ra bạo lực với vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp. Antifa thường không có cấu trúc chỉ huy chính, chỉ có một số nhóm hoạt động được tổ chức bài bản. Cũng vì điều này mà chính quyền hay gặp khó khi xử lý nạn bạo lực do nhóm Antifa tổ chức.

Liên quan đến vụ người đàn ông gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt ở thành phố Minneapolis, Tổng chưởng lý bang Minnesota thông báo sẽ phụ trách tiến trình truy tố vụ việc. Ông Keith Ellison cam kết sẽ huy động nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính công bằng. Trước đó, Derek Chauvin, một cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis liên quan đến cái chết của nạn nhân George Floyd đã bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Nhiều hình ảnh, video đang lan truyền trên mạng cho thấy cảnh sát tại một số thành phố tại Mỹ đã quỳ gối, thể hiện sự chia sẻ với những người biểu tình ôn hòa vì cái chết của George Floyd.

Biểu tình nhằm phản đối cái chết của George Floyd và nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã lan đến Anh, Đức, Canada. Cảnh sát Anh đã thực hiện 5 vụ bắt giữ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ, trong đó có 3 trường hợp vi phạm các quy định phong tỏa trong giai đoạn dịch bệnh và 2 trường hợp tấn công cảnh sát. Khoảng vài trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.

Tin cùng chuyên mục