Mỹ lần đầu tiên thử đánh chặn ICBM

Tên lửa đánh chặn được phóng lên từ một hầm ngầm ở California sẽ trúng đầu đạn mô phỏng mục tiêu tên lửa tầm xa xuyên lục địa (ICBM) được phóng từ một bãi thử ở Thái Bình Dương.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) của Lầu Năm Góc, chịu trách nhiệm phát triển và thử nghiệm hệ thống đánh chặn, thông báo sẽ tiến hành vụ thử vào ngày 30-5 tới.

Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thử bắn hạ một ICBM mô phỏng nhằm vào đất liền Mỹ.

Từ năm 1999, Mỹ đã thành công 9 lần trong 17 lần thử đánh chặn tên lửa tầm thấp hơn ICBM. Lần thử gần nhất vào tháng 6-2014 đã thành công sau 3 lần liên tiếp thất bại.

Mỹ lần đầu tiên thử đánh chặn ICBM ảnh 1
Một vụ thử tên lửa đánh chặn từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California, Mỹ. Ảnh: MDA
Hệ thống đánh chặn này được phát triển từ sáng kiến phòng phủ chiến lược "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) trị giá hàng tỷ USD do Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng năm 1983 nhằm chống các mối đe dọa tên lửa đạn đạo trong thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô là mối lo lớn nhất của Mỹ.

Nay trọng tâm đối phó của Mỹ là CHDCND Triều Tiên với mối đe dọa ngày càng tăng khi lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố phát triển một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bay đến đất liền Mỹ.

Mỹ lần đầu tiên thử đánh chặn ICBM ảnh 2 Hình ảnh  KCNA công bố về vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mới Hwasong-12 từ  TP Kusong, tỉnh Bắc Pyongan, CHDCND Triều Tiên, ngày 14-5-2017.
Triều Tiên vẫn chưa thử ICBM nhưng Lầu Năm Góc tin rằng nước này đang phát triển nhanh theo hướng đó. Tuần này, Trung tướng Hải quân Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) cho biết, "nếu không được kiểm soát", Triều Tiên cuối cùng sẽ thành công.

Lầu Năm Góc có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng một hệ thống được thiết kế chống ICBM tiềm năng của Triều Tiên được cho là thách thức nhất về công nghệ và cũng ít tin cậy nhất.

Ý tưởng phòng thủ cơ bản là phóng một tên lửa vào không gian khi có cảnh báo về vụ phóng tên lửa đạn đạo của kẻ thù. Tên lửa này bắn ra một thiết bị dài 1,5 m gọi là "cỗ xe hủy diệt" sử dụng các hệ thống dẫn đường nội bộ để chặn đường tên lửa đạn đạo và phá hủy nó bằng lực tác động.

Gọi là hệ thống phòng thủ đánh chặn từ mặt đất, Lầu Năm Góc so sánh nó với việc bắn một viên đạn vào viên đạn.

Trong vụ thử đầu tiên ngày 30-5, tên lửa đánh chặn sẽ được phóng từ một hầm ngầm tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California và bay lên nhắm tới mục tiêu là một tên lửa mô phỏng ICBM được phóng từ một bãi thử trên đảo san hô Kwajalein ở Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch, "cỗ xe hủy diệt" sẽ trúng đầu đạn mô phỏng mục tiêu ICBM bên trên Thái Bình Dương.

Theo AP, ngày 26-5, phát ngôn viên MDA Christopher Johnson cho biết, mục tiêu là một tên lửa được cải tiến mô phỏng ICBM, nghĩa sẽ bay nhanh hơn các tên lửa từng được sử dụng trong các vụ thử đánh chặn trước đây, nhưng không phải mô phỏng một ICBM thực sự của Triều Tiên.

Các kịch bản thử nghiệm phức tạp hơn sẽ được MDA tiến hành khi chương trình tiến triển, với bước tiếp theo là thử đánh chặn một mối đe dọa kiểu ICBM, Johnson cho biết.

Mỹ lần đầu tiên thử đánh chặn ICBM ảnh 3
Mỹ thử đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 30-5-2017:
1. Tên lửa mô phỏng ICBM được phóng từ một bãi thử trên đảo san hô Kwajalein ở quần đảo Marshall, Thái Bình Dương; 2. Tên lửa đánh chặn được phóng từ một hầm ngầm tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở California, Mỹ; 3. Tên lửa đánh chặn bắn ra "cỗ xe hủy diệt" trúng đầu đạn mô phỏng mục tiêu ICBM trên Thái Bình Dương. Đồ họa: Bô Quốc phòng Mỹ
Không có kế hoạch dự kiến về mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, nhưng quân đội Mỹ sẽ theo dõi sát sao vụ thử này với mục tiêu có thể bắn hạ một số ICBM nhằm vào Mỹ.

Lầu Năm Góc hy vọng vụ thử thành công trong bối cảnh ngày càng tăng lo ngại về khả năng phát triển tên lửa của Triều Tiên.

"Tôi không thể tưởng tượng nổi những gì họ sẽ nói nếu vụ thử thất bại. Những vụ thử kiểu này đã được hoạch định thành công, và điều gây kinh ngạc với tôi là rất nhiều vụ trong số đó lại thất bại", theo chuyên gia khoa học cao cấp Philip Coyle tại Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí (CACNP), lãnh đạo Văn phòng Lầu Năm Góc kiểm tra và đánh giá hoạt động từ năm 1994-2001 và đã nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống phòng thủ tên lửa.

Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ đã được triển khai từ năm 2004, nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu hoặc thử nghiệm đầy đủ. Số tên lửa đánh chặn hiện có trong các hầm ngầm tại Fort Greely ở Alaska là 32 và ở Vandenberg, Bắc Los Angeles, California, là 4. Lầu Năm Góc cho biết đến cuối năm nay sẽ có thêm 8 tên lửa đánh chặn, nâng tổng số lên 44.

Trong ngân sách năm 2018 trình Quốc hội tuần này, Lầu Năm Góc đề nghị chi 7,9 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa, trong đó 1,5 tỷ USD cho chương trình phòng thủ đánh chặn từ mặt đất. Các thành phần khác trong đó bao gồm tên lửa Patriot được thiết kế bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ mới triển khai ở Hàn Quốc để chống tên lửa tầm trung của Triều Tiên.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa công bố kế hoạch phòng thủ tên lửa. Tổng thống Donald Trump mới đây ra lệnh Lầu Năm Góc tiến hành đánh giá phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Theo AP, một số chuyên gia cho rằng, chiến lược bắn hạ ICBM, tập trung vào các tên lửa đánh chặn phóng từ hầm ngầm, là quá tốn kém và không thích hợp. Một chiến lược hiệu quả hơn là tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa ICBM trước khi chúng được phóng, có thể bằng tấn công mạng.

Tin cùng chuyên mục