Mỹ - Nga giảm căng thẳng ngoại giao

Hãng Sputnik đưa tin, Nga tuyên bố sẽ cho phép Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thực hiện chuyến thăm nước này từ ngày 11 đến 13-10 bất chấp việc đã từng đưa bà vào danh sách đen trừng phạt. Trước đó,  Washington nhất trí dỡ bỏ hạn chế tương tự được áp đặt đối với một công dân Nga.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga
Đại sứ quán Mỹ tại Nga

Dựa trên cơ sở bình đẳng 

Theo tuyên bố trên, Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland thăm Nga vào thời điểm quan hệ chính trị giữa hai nước đang căng thẳng. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Nuland sẽ gặp các quan chức cấp cao nhằm thảo luận các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là khởi xướng ý tưởng về cuộc đàm phán này. 

Phát biểu về sự kiện trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Trên thực tế, bà Victoria Nuland nằm trong danh sách trừng phạt của chúng tôi, đồng nghĩa với việc bà không được nhập cảnh. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết trên cơ sở bình đẳng. Bà Victoria Nuland sẽ có mặt tại Nga”. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova tuyên bố một công dân Nga đã được loại khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, bà không tiết lộ danh tính người này.

Chuyến thăm của bà Victoria Nuland diễn ra sau một loạt tranh cãi ngoại giao bùng lên giữa hai nước trong thời gian gần đây. Các thượng nghị sĩ hàng đầu Mỹ yêu cầu Tổng thống Joe Biden trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga khỏi nước này nếu Moscow không cấp thêm thị thực cho các phái viên của Washington tại Nga. Đây được cho là  động thái đáp trả việc Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm Đại sứ quán Mỹ ở Moscow duy trì, thuê hoặc ký hợp đồng với các nhân viên là người Nga hoặc nước thứ 3, ngoại trừ bảo vệ. Quyết định đã buộc phái bộ của Washington phải cắt giảm 182 nhân viên và hàng chục nhà thầu

Các thượng nghị sĩ Bob Menendez, Mark Warner thuộc đảng Dân chủ Mỹ và Jim Risch, Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa Mỹ khẳng định, động thái của Moscow khiến Washington chỉ còn khoảng 100 nhà ngoại giao tại Nga, trong khi Moscow có tới 400 đại diện ngoại giao đang hoạt động khắp nước Mỹ. Họ cho rằng sự không cân xứng về đại diện ngoại giao này là không thể chấp nhận được. Do đó, Nga phải cấp đủ thị thực để đạt được sự tương đương giữa số lượng các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ tại Nga và số lượng các nhà ngoại giao Nga phục vụ tại Mỹ.

Giải quyết qua đối thoại 

Trong tháng 9, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Mỹ John Sullivan tới để công bố những bằng chứng cáo buộc các tập đoàn công nghệ Mỹ đã vi phạm luật pháp Nga trong giai đoạn ngay trước cuộc bầu cử quốc hội nước này. Nhà chức trách Nga tuyên bố với ông Sullivan rằng, bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ ở xứ sở bạch dương là hoàn toàn “không chấp nhận được”. Hàng loạt sự việc liên quan đến vấn đề Crimea, can thiệp bầu cử, sở hữu vũ khí hạt nhân diễn ra khiến quan hệ hai bên ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Những động thái “ăn miếng trả miếng” về ngoại giao thời gian gần đây càng khiến triển vọng để hai nước tháo gỡ những nút thắt mâu thuẫn càng trở nên khó khăn. 

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov từng khẳng định, Moscow không mấy kỳ vọng về những đột phá quan trọng trong quan hệ với Mỹ. Trong những năm qua, đã có quá nhiều yêu sách và mâu thuẫn tích tụ, vốn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên vẫn có những cơ hội cho những động lực tích cực thông qua chương trình nghị sự song phương và quốc tế.

Việc cấp phép chuyến thăm của bà Victoria Nuland được cho là động thái nhằm xoa dịu căng thẳng và cho thấy các bên nhận thức được cần phải giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, từ đó đặt nền móng cho các cuộc trao đổi song phương trong thời gian tới. Theo giới quan sát, hai cường quốc này vốn không có ý định “quay lưng lại với nhau” và ý thức được sự cần thiết phải đối thoại về các vấn đề mang lại lợi ích cho các bên hoặc ở những lĩnh vực cả hai bên đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết.

Tin cùng chuyên mục