Mỹ siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Hãng AP ngày 5-1 đưa tin, Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất các quy định mới về an toàn thực phẩm, được xem là những cải tổ sâu rộng nhất từ hàng chục năm qua nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Mỹ siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Hãng AP ngày 5-1 đưa tin, Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất các quy định mới về an toàn thực phẩm, được xem là những cải tổ sâu rộng nhất từ hàng chục năm qua nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nghiêm ngặt từ nguồn cung

Theo quy định mới của FDA, những nhà kinh doanh thực phẩm trong và ngoài nước Mỹ muốn bán thực phẩm trên thị trường Mỹ phải nộp cho nhà chức trách bản kê khai chi tiết về quy trình chế biến, sản xuất thực phẩm đảm bảo không gây bệnh cho người. FDA yêu cầu phải đầu tư các biện pháp phòng ngừa mới chống ô nhiễm, bao gồm việc nước tưới sạch, không phun thuốc trừ sâu quá liều, nuôi động vật không nhiễm bệnh.

Cũng theo quy định mới, FDA sẽ có thẩm quyền để đóng cửa các cơ sở thực phẩm kém chất lượng. Việc kiểm tra các trang trại tại Mỹ sẽ được tiến hành thường xuyên hơn. FDA sẽ thực hiện việc kiểm nghiệm thực phẩm liên tục tại những vùng “nóng” về vệ sinh thực phẩm kém chất lượng.

Dây chuyền sản xuất bơ đậu phộng tại nhà máy Sunland.

Dây chuyền sản xuất bơ đậu phộng tại nhà máy Sunland.

Dự kiến, những quy định mới có thể khiến các trang trại lớn phải chi khoảng 30.000 USD/một năm để đầu tư cho việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình của nông dân vì nếu đảm bảo theo quy định mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận kinh doanh, FDA cho biết, các quy tắc đảm bảo vệ sinh cho trang trại chỉ áp dụng cho các loại trái cây và rau quả nhất định có rủi ro cao nhất, giống như quả mọng, dưa hấu, rau lá xanh và các loại thực phẩm khác thường được ăn sống. Quy định mới được công bố rộng rãi và FDA thu thập ý kiến của người dân trong vòng 120 ngày trước khi đưa nó trở thành dự luật để quốc hội phê chuẩn.

Giảm thiểu các ca ngộ độc thực phẩm

Thời gian gần đây, FDA là cơ quan thường xuyên bị chỉ trích vì chỉ có phản ứng sau khi có các dịch bùng phát chứ không có biện pháp phòng ngừa từ trước. Bất chấp những biện pháp cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm của Chính phủ Mỹ, số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra thường xuyên, khiến người tiêu dùng Mỹ mất lòng tin vào an toàn thực phẩm và yêu cầu có một cuộc “đại phẫu”.

Với quy định mới, FDA đặt mục tiêu sẽ giảm thiểu tối đa số người mắc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm nhiễm bẩn. Mỗi năm, tại Mỹ có hơn 40 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, 128.000 trường hợp phải nhập viện và 3.000 người tử vong. Các dịch bệnh gần đây có xuất xứ từ bơ đậu phộng, rau dền và trái dưa cantaloupe.

Trong số hàng triệu người Mỹ nhiễm độc thực phẩm mỗi năm, chỉ có 9,4% là xác định được nguyên nhân nhiễm độc, bao gồm các loại khuẩn phổ biến như Salmonella, Norovirus, Campylobacter, Toxoplasma, E. Coli 0157, Listeria và Clostridium... Trong đó, Salmonella, loại vi khuẩn làm thực phẩm bị mốc và gây độc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các ca tử vong và nhập viện vì nhiễm độc thực phẩm.

Do các ca ngộ độc thức ăn xảy ra như cơm bữa và trên diện rộng, Chính phủ Mỹ đã quyết định tiến hành thu hồi quy mô lớn một loạt các loại thực phẩm từ thịt bò, trứng đến các sản phẩm bơ, sữa, rau xanh. Vụ gần đây nhất xảy ra trong năm 2012, khi bệnh dịch tả bùng phát có liên quan tới một loại bơ làm từ đậu phộng đã khiến nhà sản xuất bơ đậu phộng lớn nhất nước này, Sunland, buộc phải đóng cửa nhà máy.

Cũng vào năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Dartmouth đã phát hiện ra loại sữa bột công thức dành cho trẻ em có chứa thạch tín - một chất cực độc có khả năng gây ung thư. Dù chưa công khai tên nhãn hiệu sữa mà họ kiểm nghiệm, nhưng kết luận của các nhà khoa học đã khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ vô cùng lo ngại. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục