Ngày 5-12, trong lúc nước Mỹ vẫn đang sôi sục biểu tình vì các vụ người da màu bị giết ở Cleveland, New York thì lại có thêm một người da màu bị cảnh sát da trắng bắn chết ở Phoenix, bang Arinoza.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên tiếng hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết để nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát.
Biểu tình ở New York phản đối nạn phân biệt chủng tộc.
Vẫn kịch bản “tưởng lầm”
Vụ việc xảy ra khi viên cảnh sát đến điều tra hoạt động liên quan đến ma túy bên ngoài một cửa hàng tiện ích và xảy ra đụng độ với đối tượng tình nghi là Rumain Brisbon, 34 tuổi, đang ngồi trong chiếc Cadillac SUV màu đen đậu bên ngoài một cửa hàng tiện ích ở Phoenix, bang Arizona. Trong lúc xô xát, viên cảnh sát đã nổ súng bắn vào Brisbon vì tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, trong túi nạn nhân chỉ có một vài viên thuốc.
Chưa đầy 2 tuần trước, một cảnh sát da trắng cũng đã bắn chết thiếu niên da màu Tamir Rice, 12 tuổi, khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland.
Hai vụ bắn giết này xảy ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn phẫn nộ với phán quyết của tòa về vụ án ở thị trấn Ferguson và một số vụ bê bối khác về cách hành xử của cảnh sát đối với người da màu ở Mỹ. Các cuộc biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát một lần nữa đã củng cố niềm tin của cộng đồng người da màu ở nước Mỹ rằng công lý và lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ đều phân biệt chủng tộc.
Tuần trước, Cao ủy Nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad Al Hussein cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ gốc Phi bị thiệt mạng khi đụng độ với các sĩ quan cảnh sát. Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhận định điều này khiến một bộ phận cư dân Mỹ, đặc biệt là cộng đồng da màu, ngày càng mất niềm tin vào sự công bằng của tòa án và hệ thống thực thi luật pháp.
Trách nhiệm của nhân viên thực thi pháp luật
Hàng loạt vụ việc của cảnh sát Mỹ liên quan đến cái chết của những nạn nhân da màu không chỉ khiến người dân nước này phẫn nộ mà còn khiến dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hối thúc chính quyền Mỹ cần sớm triển khai các biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhân viên thực thi luật pháp để đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Trước làn sóng giận dữ, Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo sẽ huấn luyện lại 20.000 cảnh sát của New York và cho rằng điều cơ bản là mọi người thuộc mọi chủng tộc cần được cảnh sát đối xử bình đẳng. Các nhà lãnh đạo dân quyền của Mỹ trước đó cũng lên án quyết định của bồi thẩm đoàn đưa ra hôm 3-12. Vụ việc ở New York là một trong những vụ người da đen thiệt mạng vì cảnh sát gây nhiều nghi vấn tại Mỹ. Chủ tịch Liên đoàn Đô thị quốc gia Marc Morial cho biết vụ việc này cho thấy “sự thất bại cùng cực, tuyệt đối” của hệ thống tư pháp hình sự ở Mỹ.
Nạn phân biệt chủng tộc Mỹ đang hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố sẽ sớm đưa ra bộ hướng dẫn đối với các tổ chức hành pháp liên bang nhằm hạn chế nạn phân biệt chủng tộc. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Quốc hội chi khoản ngân sách 263 triệu USD để chỉnh đốn lực lượng cảnh sát. Một phần số tiền đó sẽ được chi cho việc mua 50.000 camera gắn vào người để ghi lại những hành xử của các sĩ quan cảnh sát khi thực thi nhiệm vụ. Các cảnh sát cũng sẽ được giáo dục và hướng dẫn về trách nhiệm khi sử dụng các loại vũ khí.
HẠnh Chi (tổng hợp)