

Trước cuộc khủng hoảng lương thực không chỉ gây mất ổn định ở nhiều nước mà còn có nguy cơ gây nạn đói lan rộng toàn cầu, Tổng thống Mỹ George W. Bush vừa đề xuất Quốc hội Mỹ sớm thông qua khoản ngân sách khẩn cấp 770 triệu USD nhằm giúp cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng.
Hãng AP sáng nay cho biết, mục đích của khoản ngân sách viện trợ quốc tế khẩn cấp này là hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia nghèo khó, chủ yếu ở châu Phi, đang phải chống chọi với giá lương thực, thực phẩm leo thang và khan hiếm.
Trong khoản ngân sách 770 triệu USD này có 200 triệu USD mà cách nay 2 tuần, Tổng thống Bush đã ra lệnh giải ngân để cứu trợ lương thực cho các nước, cùng 150 triệu USD dành cho các chương trình giúp đỡ nông dân các nước đang phát triển nâng cao sản lượng cây trồng.
Phát biểu với báo giới sau khi đệ trình kế hoạch ngân sách trên lên Quốc hội, Tổng thống Bush thông báo, trong năm 2008 và năm 2009, Mỹ dự tính có thể chi tới 5 tỷ USD cho các chương trình cứu trợ lương thực và phát triển cho các nước.
Mỹ là quốc gia viện trợ lương thực lớn nhất thế giới, năm 2007 đã chi hơn 2,1 tỷ USD hỗ trợ 78 quốc gia đang phát triển, chủ yếu là các nước nghèo ở châu Phi.
Tờ Time sáng nay đưa tin, Chính phủ Australia đã quyết định đóng góp 30 triệu AUD (USD) để hỗ trợ khẩn cấp cho những nước đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu.
Ngoại trưởng Australia, Stephen Smith, cho hay, khoản tiền trên sẽ được chuyển qua Chương trình Lương thực LHQ theo lời kêu gọi đóng góp của tổ chức này.
Ông Smith khẳng định, Australia sẽ đẩy mạnh việc đối phó với nguyên nhân gây mất ổn định lương thực toàn cầu thông qua viện trợ phát triển và tham gia các nỗ lực đa phương. Australia cam kết thúc đẩy cải cách thương mại quốc tế, kể cả việc nối lại vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO nhằm tự do hóa thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.
HẠNH CHI