Năm 2010: Đầy những biến động

Thế giới đi qua năm 2010 đầy những biến động bất ngờ, có những điều các chuyên gia đã dự báo được, nhưng có những biến cố không ai lường được và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu.

Thế giới đi qua năm 2010 đầy những biến động bất ngờ, có những điều các chuyên gia đã dự báo được, nhưng có những biến cố không ai lường được và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu.

Nổi bật nhất trong năm 2010 là tình hình nợ công ở các nước trong Liên minh châu Âu, bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó đến Ireland và đe dọa “bén lửa” sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý… Cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa đồng tiền chung châu Âu, đồng euro khi nó bắt đầu “tuổi teen”.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, người bạn lớn của EU là Mỹ cũng đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp 9,6%, chỉ thấp hơn một chút so với 10% hồi cuối năm 2009, cùng với chiến dịch tịch thu tài sản để thanh toán nợ của các ngân hàng. Hai yếu tố đó đang đẩy nhiều người Mỹ rơi vào tình trạng vô gia cư, không thu nhập.

Trong khi tân lục địa và cựu lục địa đang vật lộn với khó khăn kinh tế thì châu lục lớn nhất thế giới và đông dân nhất thế giới vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục. Trong những cuộc suy thoái toàn cầu, Mỹ luôn là nước thoát khỏi khủng hoảng sớm nhất, sau đó đến châu Âu, rồi mới đến châu Á. Nhưng lần này điều đó đã không xảy ra và sự hồi phục kinh tế đang bắt đầu từ hướng ngược lại với đầu tàu là Trung Quốc.

Về tình hình chính trị thế giới, có thể nói những biến cố trên bán đảo Triều Tiên nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích và đang đặt thế giới vào nỗi lo sợ một cuộc chiến tranh mới. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mà xu hướng hòa bình, hợp tác và cùng phát triển đang đóng vai trò chủ đạo thì có lẽ thế giới sẽ không để xảy ra một cuộc chiến tranh trong khu vực, trừ khi một bên bị kích động quá mức.

Qua cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cũng cho thấy một vấn đề truyền thống là vai trò của các nước lớn trong các cuộc khủng hoảng vẫn còn rất lớn và họ có thể biến các nước đồng minh nhỏ hơn trở thành chiến trường trên mặt trận ngoại giao và cả quân sự vì lợi ích của riêng mình.

Năm nay hình như các quốc gia “chuộng” sự lạnh nhạt để giải quyết các cuộc tranh cãi hơn là chọn bàn đàm phán. Ví dụ rõ nét nhất là quan hệ Trung - Nhật, Trung - Mỹ được thể hiện trong các cuộc họp thượng đỉnh các tổ chức có sự tham gia của các nhà lãnh đạo của họ.

Vũ khí thương mại cũng được tận dụng triệt để khi các quốc gia có tranh cãi về vấn đề an ninh, chính trị. Đó là câu chuyện Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sau khi xảy ra vụ đụng tàu cá của Trung Quốc với tàu tuần duyên Nhật Bản vì biết Nhật Bản đang rất cần loại khoáng sản này trong các công nghiệp, khách du lịch Trung Quốc được khuyến cáo không đến Nhật, không mua hàng Nhật…

Một điểm bất ngờ của năm 2010 nữa là Internet đang trở thành thứ vũ khí thật sự chứ không chỉ là công cụ của các tin tặc. Các nước từng ca ngợi tự do Internet giờ đang xem lại vai trò của mạng toàn cầu này. Cuộc chiến Internet đang được các chuyên gia gọi là cuộc chiến tranh trường kỳ.

Qua sự kiện Wikileaks và việc xem lại vai trò của Internet, dư luận cho rằng khi nào con người sử dụng Internet chỉ như một công cụ hữu ích cho nhân loại, để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cả yêu thương, chứ không phải để can thiệp công việc nội bộ nước khác, để gây nhiễu hòa bình thế giới thì cuộc chiến Internet mới chấm dứt.

Về chính phủ các quốc gia, các chuyên gia đã đúng khi dự báo chính phủ Công đảng của Anh phải nhường chỗ cho chính phủ đảng Bảo thủ và thế đa số của đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ mất vào tay đảng Cộng hòa. Các chuyên gia cũng chính xác khi cho rằng Trung Quốc trở thành trung tâm quyền lực mới về các vấn đề toàn cầu từ kinh tế cho đến biến đổi khí hậu và ngoại giao hạt nhân. 

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục