Nam Du mời gọi

Tôi may mắn được ra quần đảo Nam Du nhiều lần. Mỗi lần ra khơi, tôi đều nghe được bao điều kỳ thú về biển đảo và tình người. Ngày nay, những hình ảnh đó đang trở thành đề tài nóng bỏng cho những ai yêu thích thiên nhiên để trải nghiệm và khám phá. 
Nam Du mời gọi

Tôi may mắn được ra quần đảo Nam Du nhiều lần. Mỗi lần ra khơi, tôi đều nghe được bao điều kỳ thú về biển đảo và tình người. Ngày nay, những hình ảnh đó đang trở thành đề tài nóng bỏng cho những ai yêu thích thiên nhiên để trải nghiệm và khám phá. 

“Tiểu Hạ Long” phương Nam

Vùng biển Kiên Giang có tới 105 hòn đảo lớn nhỏ bao quanh các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, An Thới, Thổ Chu, Nam Du và một vài hòn nhỏ lẻ. Từ xa xưa, các hòn đảo nơi đây hầu như chưa có người sinh sống, một số hòn chỉ mới khai phá trong vòng trăm năm trở lại đây. Thế nhưng, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con trên khắp miền Tổ quốc đã kéo nhau ra đảo sinh cư lập nghiệp, tạo nên sự biến đổi vô cùng to lớn. Mỗi lần ra Nam Du, tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi kỳ diệu của nơi đây. 

Lần đầu ra đảo, cảnh vật đều hoang sơ, vắng vẻ. Còn bây giờ, càng đến gần tôi càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của những cụm đảo xanh rờn và tàu ghe tấp nập. Ấn tượng nhất là 21 hòn lớn nhỏ kề cận bên nhau tạo thành một thế trận vững chãi, non nước hữu tình. Nhiều du khách vừa đặt chân đến Nam Du đã buộc miệng kêu: “Tiểu Hạ Long phương Nam”.    

Về tên gọi, Nam Du lúc đầu có tên “Nam Dự”, tức đảo phía Nam. Còn trên bản đồ thời Pháp thuộc ghi là Poulo Dama. Tương truyền vào khoảng năm 1780, trên đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đã tấp vào Nam Du. Vì thiếu lương thực, nước ngọt nên binh lính phải đào giếng lấy nước và vào rừng đào lấy củ nầng, một loại củ có hình tròn để luộc ăn. Khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long nhớ những ngày gian khổ đó nên sai người mang sắc tứ đến đây. Do người mang chiếu là người Ngũ Quảng, khi đọc phát âm “Củ Tròn” thành “Củ Tron”. Thế là từ đó, người trên đảo ai cũng gọi là “Củ Tron”, có người đọc thành “Cổ Tron”.

Trong truyện Hòn Cổ Tron, nhà văn Sơn Nam có đoạn mô tả: Hòn Cổ Tron giữa vịnh Xiêm La, trước kia thuộc quận Châu Thành (Rạch Giá). Mãi đến năm 1962, Nam Du mới chính thức có tên ấp Củ Tron, thuộc xã Lại Sơn, quận Kiên An. Củ Tron là hòn lớn nhất thuộc quần đảo Nam Du nên còn gọi tên hòn Lớn. Ngày nay, đứng từ ngọn hải đăng có dộ cao 295m nhìn tàu thuyền trên các bãi biển trông giống như một “thành phố nổi” đẹp mê hồn.

Ngày 12-4-1983, huyện Kiên Hải được thành lập, Nam Du trở thành đơn vị hành chánh xã. Sau đó quần đảo lại tách ra thành 2 xã An Sơn (hòn Củ Tron) và Nam Du (hòn Ngang).

Vừa bước lên hòn Củ Tron, mọi người đã mê say với nhiều di tích, thắng cảnh như bãi Ngự, bãi Chệt, bãi Đất Đỏ, giếng Tiên, Hải đăng, Trạm radar...  

Các ngư dân đánh bắt hải sản tại hòn Nồm Giữa (gần hòn Ngang)

Đổi thay

Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã An Sơn, phấn khởi cho biết: Với tinh thần năng động và sáng tạo, nhiều năm qua Đảng ủy và UBND xã đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp với thời tiết và mùa vụ nên việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng hải sản đều phát triển ổn định, sản lượng bình quân mỗi năm trên 10.000 tấn. Hiện nay xã An Sơn có 1.146 hộ dân, tăng gấp 3 lần so với 10 năm về trước.  

Đối diện hòn Củ Tron là hòn Ngang thuộc xã Nam Du, một đơn vị hành chánh vừa tách ra từ hòn
Lớn vào năm 2005, hiện có 10 đảo lớn nhỏ, trong đó hòn Ngang có đông dân cư nhất (789 hộ), đa số sinh sống bằng nghề khai thác hải sản và nuôi cá lồng bè. 

Gần hòn Ngang là hòn Mấu với hơn 100 hộ gia đình ngư dân, phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp nhờ có nhiều bãi biển lý tưởng. Được biết, trong chiến lược phát triển du lịch tương lai, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ đưa hòn Mấu trở thành đảo du lịch cộng đồng đầy triển vọng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ấp hòn Mấu cho biết, một khi hòn Mấu trở thành đảo du lịch cộng đồng, chắc chắn đời sống dân đảo sẽ nâng lên và khách du lịch cũng sẽ hài lòng vì nơi đây không những phong cảnh hữu tình mà còn có nguồn hải sản dồi dào, nhất là mực, ghẹ, tôm, cua, sò, ốc biển… 

Có thể nói, mỗi hòn đảo, mỗi làng chài ở Nam Du đều mang hơi thở riêng, vẻ đẹp riêng; đặc biệt Củ Tron là trái tim, là “bà mẹ đại dương” đối với những thế hệ ngư dân đầu tiên ra đây lập nghiệp. Nơi đây, nhiều đảo chỉ có 1 - 2 gia đình sinh sống nhưng nếu có dịp ghé lại ngủ đêm, chúng ta mới lắng nghe được hồn biển và nghe các “chủ đảo” quay lại “những thước phim” về cuộc đời ngang dọc, sóng gió và nỗi buồn cách trở quê hương của họ giống như những câu chuyện về Robinson huyền thoại.

Ông Vương Ngọc Ánh, một lão ngư có 3 đời gắn bó với hòn Nồm Giữa, kể: “Đầu năm 1954, lúc mới 8 tuổi tôi đã theo cha ra đây dựng một túp lều che nắng che mưa, cuộc sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, khổ nhất là khi vợ sanh tôi phải trực tiếp đỡ đẻ. Nay gia đình đã đầy đủ tiện nghi, 4 đứa con gái và con rể đều làm nghề đánh bắt, đứa nào cũng dư ăn nhờ đi biển…”. 

Hoặc như ông Trần Văn Phương, lúc mới đến phải đắp đổi qua ngày bằng nghề chài lưới và rau củ trên rừng. Không bao lâu sau, ông đã sắm được tàu ghe và đồ nghề ra khơi và bây giờ con cái đứa nào cũng ăn nên làm ra, tất cả đều nhờ biển đảo cưu mang. Tại hòn Đụng có ông Bảy Tút. Năm 1969, vì chiến tranh và đói nghèo, ông đã vượt biển ra khơi tìm kế mưu sinh, cuộc sống vô cùng gian khổ, sống chết phó mặc cho trời. Vậy mà sau ngày giải phóng không bao lâu, gia đình ông đã giàu lên nhờ nuôi cá lồng bè, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.

Trên đường phát triển      

Ở xứ đảo, con người sống rất mộc mạc, chân tình và giàu lòng nhân nghĩa, người đến trước đón người đến sau: Gió đưa gió đẩy ngọn xoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây.

Nhiều chuyện xưa tích cũ cứ theo dòng chảy thời gian tụ lại thành những mẩu chuyện vô cùng thú vị. Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã An Sơn, chia sẻ: “Bà con trên đảo rất tốt bụng, chân tình và hiếu khách, sẵn sàng mời khách lạ về nhà nghỉ đêm miễn phí”. Mọi người đều sống tương thân tương ái, hòa đồng nhờ họ đã bám rễ sâu vào cội nguồn của một vùng văn hóa tâm linh, nơi có miếu bà chúa Xứ, có lăng Ông, có bia kỷ niệm cơn bão số 5 và các khu di tích lịch sử.

Bằng tình yêu biển cả, bà con ngư dân đã làm thay đổi bộ mặt biển đảo Tây Nam, biến một vùng đảo hoang vu đầy huyền thoại trở thành quần đảo sung túc, giàu đẹp và ngày càng thu hút đông đảo khách đến tham quan. Có đến đây, chúng ta mới thấy hết sự đóng góp to lớn của các đội tàu tuần tra mang lại sự bình yên cho biển cả và thấu hiểu được nỗi gian truân vất vả của những con người ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách. 

Trải qua bao năm xây dựng, các hòn đảo đã không ngừng phát triển, bộ mặt xã đảo hoàn toàn thay đổi. So với trước năm 1990, đời sống tinh thần và vật chất của người dân đã cao hơn gấp nhiều lần. Trước kia đa số trẻ con không được đến trường, bà con ốm đau không có thuốc chữa bệnh, ngư dân ra khơi không có bảo hiểm xã hội, nay ở đây đã có trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, có trạm y tế, có bác sĩ, điện, nước tuy chưa đầy đủ nhưng cũng đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Trước năm 2012, đa số khách du khách đến Nam Du đều ngủ nhờ nhà dân. Nay nhiều cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, có hồ chứa nước mưa dung tích 30.000m³ do nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng từ năm 2000. Hiện hòn Củ Tron đã có phòng trọ, có dịch vụ homestay, nhà hàng, quán ăn đặc sản. Nhờ vậy, mỗi ngày có 1 - 2 chuyến tàu cập cảng, đưa hàng hóa, lương thực cùng khách tham quan du lịch đến với Nam Du.

Biển đảo Nam Du là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa từ lâu đời nên tiềm năng phát triển du lịch không thua kém bất cứ một vùng biển nào. Nhiều bãi tắm nước trong màu ngọc bích, cùng với những rặng dừa xanh “hớp hồn” du khách đang trở thành những địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Du khách đến quần đảo Nam Du không những để nghỉ dưỡng, tắm biển, câu cá, lặn ngắm san hô, thưởng thức các đặc sản mà còn để tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng...

HOÀI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục