Chiều 13-8, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị về Nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học mới.
Thứ nhất là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước. Thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục; đề xuất quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, phổ thông. Thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; tổ chức thực hiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành...
Tiếp đến là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó có việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.
Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kiên quyết xử lý nghiêm giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo (không bố trí đứng lớp đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo).
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Theo đó, khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện thực hiện và gia đình, người học có nhu cầu; khuyến khích triển khai chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo.
Phát triển, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Phát động phong trào học tiếng Anh trên cả nước cho các nhóm đối tượng người học, trước hết là phong trào “giáo viên và học sinh cùng học tiếng Anh”…
Bộ cũng quyết tâm trong năm học mới giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.
* Để thực hiện các nhiệm vụ đó, Bộ GD-ĐT đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó sẽ rà soát các vấn đề GD-ĐT trong toàn ngành để chủ động trong chỉ đạo, quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ sở giáo dục đại học không bảo đảm chất lượng, hoạt động không hiệu quả để có phương án xử lý.
Song song đó, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Trong đó, tổ chức tổng kết, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; chuẩn bị phương án tổ chức thi THPT quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và sau năm 2023...