
Đến thời điểm này, hầu hết các quận ở TPHCM đã công bố danh sách học sinh (HS) trúng tuyển vào lớp 1, lớp 6. Không kể những HS đúng tuyến thì những trường hợp “chạy trường” chờ đợi được xét “đặc cách” vẫn đang trong tâm trạng thấp thỏm…
“Nóng” vào giờ chót!
Ngày 26-7, các trường tiểu học (TH) ở quận 1 công bố danh sách HS ngoài tuyến trúng tuyển. Trước đó, các trường THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn, Võ Trường Toản … của quận 1 cũng đã công bố danh sách HS ngoài tuyến trúng tuyển. Những trường hợp không có tên trong danh sách, phụ huynh (PH) đã tìm hiệu trưởng … chất vấn.

Đông đảo phụ huynh học sinh đến nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 6 tại trường Trần Đại Nghĩa.
Ban giám hiệu của những trường này cả tháng nay hầu như ngày nào cũng phải tiếp PH. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết: “Năm nay diện trong tuyến ra lớp đông nên dù có 191 đơn ngoài tuyến nhưng chỉ có thể giải quyết cho 48 đơn”.
Tương tự, Trường TH Lê Ngọc Hân có 500 đơn ngoài tuyến, Trường THCS Trần Văn Ơn có hơn 800 đơn. THCS Nguyễn Văn Tố chỉ còn 15 chỗ nhưng có đến hơn 100 đơn ngoài tuyến…
Ở Trường tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh), trường nhận đơn trái tuyến chỉ trong 1 ngày và chỉ nhận 100 hồ sơ nên nhiều PH phải chầu chực khá đông. Anh T., nhà ở phường 21 cho biết, anh đến trường từ 6 giờ sáng nhưng chồng đơn đã cao ngất nghểu.
Những đơn đầu tiên đã được nộp vào từ… 12 giờ đêm hôm trước ! Đến khoảng 10 giờ sáng, hiệu trưởng nhà trường giải thích: “PH thông cảm, nhà trường đã nhận đủ đơn, không thể nhận hơn”. Không riêng Trường TH Hồng Hà, tất cả những trường tiểu học có tiếng đều tấp nập PH ngoài tuyến đến nộp đơn như TH Chu Văn An (Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (quận 3), Bàu Sen (quận 5) Triệu Thị Trinh (quận10)…
Vì sao năm nào cũng “chạy”?
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT về mặt bằng giáo dục chung, hầu như chất lượng giáo dục giữa các trường không có sự chênh lệch nhau, thậm chí tỉ lệ tốt nghiệp của các quận trung tâm lại thấp hơn các quận vùng ven, ngoại thành. Nhiều HS giỏi cấp thành, cấp quốc gia xuất thân từ “trường làng” song cũng lên thẳng đại học và thành tài.
Tuy nhiên đánh giá này không đủ sức thuyết phục khi độ chênh về cơ sở vật chất giữa các trường còn khá lớn. Trong nhiều lý do chạy trường của PHHS, tâm lý phổ biến là hướng đến những trường được đầu tư về cơ sở vật chất, tập trung nhiều giáo viên giỏi và các trường đang ra sức phấn đấu đạt “chuẩn quốc gia”.
Một PH không còn hy vọng xin cho con học ở trường TH Hồng Hà, thở dài: “Chỉ tại trường tốt, trường không nên mới sinh ra nỗi khổ chạy trường. Phải chi, tất cả các trường đều được như thế này”.
Nguyên nhân “chạy trường” còn do nhu cầu tìm nơi học thuận tiện cho con – mà điều này chưa được ngành giáo dục đáp ứng đầy đủ, đặc biệt nhu cầu học bán trú. Tình trạng phân bố trường lớp tại một số quận chưa hợp lý đã tạo ra sự mất cân đối, “cung” ít hơn “cầu”.
Có tiêu cực trong “chạy trường” ? Hiệu trưởng của một trường thu hút nhiều HS thừa nhận: “Mức độ tiêu cực nhiều hay ít khó xác định được, phụ thuộc vào cơ chế tuyển sinh của quận. Tôi chỉ mong tuyển sao cho công bằng, đừng để mang tiếng cho trường”. Một số trường hợp, sức nặng của những-lá-thư-tay đã khiến các trường khó lòng từ chối mặc dù ai cũng biết việc quá tải số lượng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích HS và chất lượng giảng dạy của trường.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, ông Nguyễn Tiến Trực, tâm sự: “Chúng tôi mừng vì có những trường chất lượng tốt, ổn định như Bàu Sen, Minh Đạo, Chính Nghĩa… được phụ huynh tin tưởng. Nhưng sĩ số cao, giáo viên sẽ ít có điều kiện quan tâm sâu sát đến từng HS.
Nhiều PHHS đến xin học vì nghe nói trường dạy tốt nhưng hỏi tốt như thế nào thì họ không giải thích được”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục quận 1, cho biết: “Chỉ khi nào có sự đồng đều về cơ sở vật chất mới giảm được nạn chạy trường”.
THẢO- DOANH
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM: Hiện ngành giáo dục chỉ mới chú ý phân tuyến ở địa bàn dân cư mà chưa chú ý đến phân tuyến cho con CBCNV các cơ quan đóng trên địa bàn. Ở các quận mới, quận ven, nên đầu tư chỉnh trang, sửa chữa và xây mới nhiều trường học để đáp ứng nhu cầu hiện nay và giảm áp lực cho các trường “chất lượng cao”. Ngành giáo dục phải phân bổ đồng đều giáo viên giỏi về các trường. Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các trường nhỏ để xóa dần khoảng cách về chất lượng và đời sống giáo viên ở các trường. Tiến hành sử dụng nguồn vốn kích cầu ở các trường tập trung nhiều phụ huynh có điều kiện, dành vốn ngân sách để nâng chất các trường nhỏ. |