Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cần được giúp đỡ nhiều hơn

“Đó là một cuộc gặp gỡ quá nhiều cảm xúc” - ông Roberb Earl Filner (ảnh), nghị sĩ Hạ viện Mỹ đã bày tỏ như vậy sau khi được tận mắt thấy, tận tai nghe, tự tay mình ẵm những em nhỏ bất hạnh bị nhiễm chất độc da cam tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM ngày 5-1
Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cần được giúp đỡ nhiều hơn

“Đó là một cuộc gặp gỡ quá nhiều cảm xúc” - ông Roberb Earl Filner (ảnh), nghị sĩ Hạ viện Mỹ đã bày tỏ như vậy sau khi được tận mắt thấy, tận tai nghe, tự tay mình ẵm những em nhỏ bất hạnh bị nhiễm chất độc da cam tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM ngày 5-1

“Xin cho tôi được ẵm em bé đó”

Các em nhỏ ở khu nuôi dưỡng trẻ khuyết tật vận động đón ông khách lạ bằng những nụ cười không trọn vẹn và những câu chào không tròn âm. Hồn nhiên, bé Nguyễn Lê Thu Thảo, 5 tuổi, hai chân bị teo quắp, cười toe rồi đưa cánh tay nhỏ vẫy chào ông Roberb Earl Filner. Bước tới mấy bước, hạ thấp rồi nghiêng người về phía trước, ông Filner hỏi cô y tá: “Tôi có thể ẵm các em này được không? Xin cho tôi được ẵm em bé đó”. “Thảo ơi, chào ông, hôn ông đi con”, nghe cô y tá bảo, rất tự nhiên, Thu Thảo choàng tay qua người ông, ôm hôn ông Filner sau khi “người ông” này đặt lên má em một cái hôn trìu mến.

Im lặng quan sát và chú ý lắng nghe, mỗi lần dừng lại trước một em nhỏ, ông Filner đều hỏi rất kỹ về hoàn cảnh ra đời, những khuyết tật và tình trạng sức khỏe của từng em. Căn phòng ông ghé lại lâu nhất là phòng lưu trữ những bào thai dị dạng, những chứng cứ mà bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và các đồng nghiệp của bà đã lưu giữ trong mấy chục năm qua. Những chiếc bình thủy tinh có dán nhãn được xếp ngay ngắn trên từng dãy kệ. Im lặng trước bình thủy tinh có bào thai 2 đầu, ông Filner chăm chú dán mắt vào dòng chữ in trên nhãn: Mother’s name: Lê Thị Chuyền. Age: 21. Birthday: 26-7-2006…”. Các bác sĩ của bệnh viện cho biết chất độc da cam vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3, thứ 4. Rời phòng lưu trữ, ông Roberb Earl Filner và cộng sự nói nhỏ với nhau: “Buồn quá!”. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho chúng tôi biết, đã từng có những người bạn nước ngoài, khi đặt chân vào căn phòng này phải nôn thốc vì không chịu nổi sự thật khủng khiếp.

Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn

Trả lời câu hỏi của ông Filner, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/đioxin. Những thế hệ đầu tiên bị nhiễm độc đã, đang mắc rất nhiều chứng bệnh ung thư và chết dần đi. Bà Phượng nhấn mạnh: “Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống đất nước Việt Nam. Nạn nhân của chất độc này vẫn đang sống cuộc sống vô cùng bất hạnh, khó khăn mà chưa nhận được sự bồi hoàn hợp lý nào từ phía những công ty sản xuất hóa chất”. Về phía chính phủ Mỹ, số tiền hỗ trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả do chất độc da cam gây ra đã tăng lên trong thời gian gần đây: Từ 3 triệu USD tăng lên 6 triệu USD và năm 2010, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định viện trợ 20 triệu USD để tẩy độc ở khu vực sân bay Đà Nẵng. “Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn chưa đủ cho tất cả những gì mà chất độc da cam đã gây ra cho đất nước chúng tôi”, bà Phượng nói.

Trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP, nghị sĩ Roberb Earl Filner cho biết: “Tôi thật sự xúc động và có ấn tượng mạnh khi nhìn thấy các y bác sĩ chăm sóc những em bé ở đây. Tôi đến từ đất nước được xem là có trách nhiệm cho tất cả những vấn đề này. Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa. Khi trở về nước, tôi sẽ cố gắng hết sức mình tác động để có được sự hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam Việt Nam từ phía chính phủ Mỹ, các cá nhân, tổ cahức tình nguyện, đặc biệt là các y bác sĩ để chữa trị cho các nạn nhân vượt qua bệnh tật”. Chia sẻ về mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Filner nói: “Tôi muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Tôi muốn nói rằng: Chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam vượt qua những vấn nạn này”

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục