Ngày 1-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, để tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII.
Cùng dự buổi tiếp xúc có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh.
Cử tri đã được nghe giới thiệu nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII, dự kiến diễn ra từ ngày 20-10 đến 26-11; nghe các đại biểu Quốc hội giải đáp những kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII.
Nhiều cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, gửi đến Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng. Cử tri Huỳnh Thống, đại diện 21.000 cử tri phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), đề nghị Quốc hội có cơ chế đưa các chính sách, pháp luật đã ban hành vào đời sống xã hội. Khi luật được ban hành, phải có thông tư hướng dẫn kịp thời, thống nhất giữa các bộ, ngành; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật để dân hiểu và làm theo, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. Bác Thống đề nghị, nên quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bác Nguyễn Văn Tri (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bác Trần Đình Hợi (cựu chiến binh phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) đề nghị, cần quy định một cách chỉn chu về chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhằm giúp đỡ hiệu quả, thiết thực đối với các đối tượng này, vốn phải gánh chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tỷ lệ tội phạm hình sự gia tăng; về chất lượng giáo dục đào tạo, việc giáo dục nhân cách con người chưa được chú trọng đúng mức, hàng năm học sinh đều phải mua mới sách giáo khoa, rất tốn kém, lương giáo viên quá thấp chưa bảo đảm để các thầy giáo, cô giáo chuyên tâm giảng dạy...
Về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, một số cử tri quận Tây Hồ kiến nghị không nên để cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc cơ quan hành pháp; cần bổ sung, quy định rõ trong luật phòng chống tham nhũng các biện pháp chế tài đối với người tố cáo tham nhũng sai sự thật, đồng thời có quy chế bảo vệ người tố cáo đúng. Những cán bộ có sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, để củng cố niềm tin trong nhân dân.
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư khẳng định việc tiếp tục thực hiện kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri về sự cần thiết đổi mới hơn nữa công tác lập pháp theo hướng nâng cao chất lượng và bảo đảm thực thi các đạo luật đã được ban hành; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là giám sát bảo đảm tuân thủ và thực thi pháp luật, giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc mà cử tri quan tâm...
Về vấn đề biển Đông, Tổng Bí thư nêu rõ, cần xử lý thật tốt mối quan hệ biện chứng giữa hai mục tiêu nhiệm vụ: giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Chia sẻ với những phản ánh, kiến nghị mà cử tri nêu về một số vụ việc cụ thể, liên quan đến quyền lợi chính đáng của bà con, Tổng Bí thư cũng lưu ý, việc giải quyết các vụ việc đều phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục, theo đúng chức năng, thẩm quyền do pháp luật quy định.
TTXVN