Nhiều khó khăn, thiếu thốn
Tại buổi khảo sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết, thực tế công tác phòng chống dịch tại TP cho thấy vai trò của y tế cơ sở là không thể thiếu, trong đó, trạm y tế (TYT) phường, xã, thị trấn đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, trong đợt dịch, y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập… đặt ra cho ngành y tế và TP trong tình hình mới, việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở là vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Hiện TPHCM có 317/319 TYT xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở - chiếm tỷ lệ 99,4%. Tuy nhiên, tất cả quận huyện và TP Thủ Đức đều có nhu cầu sửa chữa, cải tạo hàng trăm TYT cùng xây mới hàng chục TYT.
Thẳng thắn trình bày thực trạng của địa phương, bác sĩ Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3, cho rằng, cần có chính sách cởi mở hơn nữa để thu hút xã hội hóa, đặc biệt là cơ chế đặc thù để có thể tuyển và giữ chân được nhân viên y tế. “Hết đợt dịch Covid-19 vừa qua, 1 y sĩ y học cổ truyền của TYT đã xin nghỉ việc vì gia đình không chấp nhận một người con, người vợ mà 4-5 tháng không về nhà, chế độ đãi ngộ bấp bênh”, bác sĩ Nguyễn Thái nói.
Bác sĩ Nguyễn Thái cũng kiến nghị, các TYT cần được đầu tư nhanh về cơ sở vật chất, đặc biệt là xe cứu thương. Trong đợt dịch vừa qua, Trung tâm Y tế quận 3 phải sử dụng cả xe chở vật liệu xây dựng chuyển bệnh nhân cấp cứu.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh mong mỏi, là huyện ngoại thành, địa bàn rộng, đông dân cư, việc tăng số lượng biên chế y bác sĩ là rất cần thiết. Cùng với đó, phải đảm bảo các chế độ, cả cho bác sĩ làm việc và bác sĩ thực hành chứng chỉ hành nghề thì mới thu hút được nguồn lực.
Trước là thu hút, sau là giữ chân
Hiện Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Theo báo cáo của sở, hiện nay hơn 50% TYT không có trưởng trạm; thực trạng này đã kéo dài từ lâu do thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Tỷ lệ nhân viên y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạt 2,3 người/vạn dân, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội; có TYT chỉ có 4-5 nhân viên. Vì vậy, trong dự thảo Đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong tình hình mới, Sở Y tế TP kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế từ 10 lên 20 biên chế/ TYT. Cần bổ sung thêm y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin.
Về chính sách thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại TYT, Sở Y tế kiến nghị ngân sách TP hỗ trợ chi trả lương đối với hợp đồng lao động thay vì sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp, mức lương được xác định trên cơ sở căn cứ trình độ chuyên môn của người lao động để xếp theo quy định. Bên cạnh đó, TPHCM có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với bác sĩ, nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác tại TYT.
Theo đó, đối với bác sĩ nghỉ hưu, mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu. Đối với nhân viên y tế khác nghỉ hưu, hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu. Đối với lực lượng tình nguyện viên (không có chuyên môn y tế), mức hỗ trợ hàng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng.
Sở Y tế TP cũng đề xuất đổi mới cơ cấu và tổ chức TYT, không phân bổ theo hệ thống hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số (mỗi khu vực 10.000 dân có 1 TYT); đồng thời chuyển trung tâm y tế và bệnh viện tuyến quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện…
Ngành y tế thành phố đề xuất cho phép thí điểm thực hành 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới tốt nghiệp. Theo đó, thay vì các bác sĩ mới tốt nghiệp phải đăng ký và chịu hoàn toàn chi phí thực hành 18 tháng tại các bệnh viện, sở kiến nghị cho phép các bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở (trung tâm y tế hoặc TYT), sau đó thực hành 6 tháng tại các bệnh viện. Trong thời gian thực hành, các bác sĩ được thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt, mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Áp dụng tương tự cho điều dưỡng mới tốt nghiệp với thời gian thực hành là 9 tháng tại y tế cơ sở. |