Nâng chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 sẽ được trình ra kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV, khai mạc hôm nay 20-5, sau khi tổng hợp và lọc những kiến nghị trùng nội dung, còn lại hơn 2.100 kiến nghị. Đến nay đã có 2.008 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định, đạt 95,53% tổng số kiến nghị đã chuyển. 

Đó thực sự là một tỷ lệ cao, rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh cả nước phải tập trung thời gian, nhân lực, vật lực để xử lý, giải quyết những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, một số bộ ngành đã trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị như Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương... Nhiều vấn đề liên quan trực tiếp ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ ngành xem xét, giải quyết kịp thời.

Đáng lưu ý, một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết xong. Chẳng hạn như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với hoạt động của taxi công nghệ; việc thống nhất giữa các bộ trong công tác quản lý, bảo trì đối với 4.700km quốc lộ đi qua 42 địa phương… Nhờ tiếp thu kiến nghị cử tri, việc rà soát sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật về mức xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình; được người dân đồng tình ủng hộ.    

Mặc dù vậy, như báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, tại kỳ họp thứ 9 vẫn có thêm hàng ngàn kiến nghị mới được cử tri gửi gắm tới Quốc hội. Cuộc sống luôn biến đổi và việc phát sinh thêm nhiều vấn đề mới, bức xúc mới là hiển nhiên. Chỉ có điều đáng nói là vẫn còn nhiều kiến nghị không mới, cho thấy việc giải quyết chưa dứt điểm. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tuy có giảm nhưng vẫn còn tình trạng một số văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc chưa cho biết giải pháp tháo gỡ. Đơn cử như cử tri tỉnh Thái Bình một lần nữa đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc tính toán, chi trả sai lương hưu dẫn đến phải điều chỉnh và thu hồi lương hưu đối với hàng ngàn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998. Trong văn bản trả lời, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thừa nhận, có sai phạm trong tính toán chi trả tiền lương hưu đối với một số giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình và “hiện đang khắc phục hậu quả”, song lại không hề thông báo về kết quả xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có sai phạm. 

Một ví dụ rất điển hình khác là việc giải quyết chế độ BHXH đối với phó chỉ huy trưởng quân sự, công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại cấp xã đã đóng BHXH bắt buộc nhưng khi nghỉ hưu không được tính thời gian đóng BHXH (cử tri Ninh Bình phát hiện, kiến nghị từ năm 2016 đến nay). Đây là vấn đề có liên quan đến khoảng 10.000 người và đã được yêu cầu giải quyết trong báo cáo giám sát kỳ trước. Tuy nhiên, suốt 7 tháng qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được hướng xử lý.

Cũng nằm trong số các vấn đề vẫn chưa có hồi âm thỏa đáng là kiến nghị của cử tri về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội; việc thu phí điện tử tự động không dừng… 

Những kiến nghị bị tồn đọng nhiều năm chưa được khắc phục thường là vấn đề có nội dung liên ngành, lĩnh vực và cần có sự phối hợp giải quyết. Và đã đến thời điểm để nhìn nhận lại những gì đã làm được, những gì còn tồn tại, trong đó có một nội dung hết sức quan trọng là giải quyết kiến nghị của cử tri. Cần có sự so sánh cả về số lượng lẫn chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri qua từng năm, từng kỳ họp của Quốc hội, theo từng lĩnh vực, từng nhóm vấn đề, từ đó cải tiến quy trình tiếp nhận và giải quyết đơn thư, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ tiếp nhận kiến nghị cử tri nói riêng, trình độ và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ nhà nước nói chung, thực hiện đúng tôn chỉ của Quốc hội “của dân, do dân và vì dân”.

Tin cùng chuyên mục