Nâng chất lượng nhà vệ sinh trường học

Mới đây, tại hội thảo triển khai Dự án “Trường sạch” năm học 2018-2019, do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Hội Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, hầu hết các trường học đều tỏ ra e dè trước mức phí đề nghị 68 triệu đồng/năm học cho gói vệ sinh gồm một tuần 3 buổi tẩy rửa và sát khuẩn nhà vệ sinh trường học. 
Học sinh sử dụng nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) - một trong những đơn vị đầu tư tốt công trình vệ sinh trường học
Học sinh sử dụng nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) - một trong những đơn vị đầu tư tốt công trình vệ sinh trường học

Chúng tôi thực hiện khảo sát bỏ túi với 50 học sinh tiểu học ở 4 quận gồm quận 1, 3, Tân Bình và Gò Vấp. Kết quả, có hơn 2/3 học sinh chọn nhà vệ sinh là đáp án cho câu hỏi “Khu vực nào trong trường khiến em có ấn tượng nhất (cả tốt và xấu)”. Trong khi đó, qua thống kê các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhà vệ sinh lại là hạng mục ít được quan tâm nhất. Vì sao?

“Thân phận” thứ yếu

Mới đây, tại hội thảo triển khai Dự án “Trường sạch” năm học 2018-2019, do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Hội Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP) và một đơn vị tư nhân tổ chức, hầu hết các trường học đều tỏ ra e dè trước mức phí đề nghị 68 triệu đồng/năm học cho gói vệ sinh gồm một tuần 3 buổi tẩy rửa và sát khuẩn nhà vệ sinh trường học. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 cho biết: “Mỗi năm trường tôi có rất nhiều công trình xã hội hóa, nhưng khổ nỗi phụ huynh và các mạnh thường quân thường tập trung mục tiêu hiện đại hóa trường, lớp như bổ sung trang thiết bị cho phòng học STEM, lắp nhà kính trồng rau cho học sinh, nâng cấp phòng học ngoại ngữ. Trong khi đó, các hạng mục công trình như tu bổ nhà vệ sinh, cải tạo sân chơi cho học sinh, trường phải chờ kinh phí cấp duyệt từ UBND quận, huyện”. 

Đồng quan điểm, đại diện một trường tiểu học ở quận 5 bày tỏ, hạng mục nào hư hỏng trường làm đơn kiến nghị địa phương cấp kinh phí sửa chữa nhưng hồ sơ, thủ tục mất rất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu sử dụng hàng ngày của học sinh thì không chờ được. Riêng đối với trường ở khu vực vùng ven, bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), cho biết mặt bằng thu nhập chung của phụ huynh không cao nên nguồn thu xã hội hóa còn hạn chế. Một số khoản phí nếu chia ra chỉ vài chục ngàn đồng/học sinh/tháng, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng góp. Do đó, đơn vị này kiến nghị các dự án vệ sinh trường học nên tính đến việc tập huấn hoặc chuyển giao công nghệ cho các trường tự thực hiện, sẽ tiết kiệm chi phí và hiệu quả sử dụng dài lâu.

Hiện nay, nhiều trường học đã bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư thêm quạt treo tường, tranh ảnh nhiều màu sắc, hoa khô, tinh dầu hương sả, gương soi, giấy vệ sinh, máy sấy tay đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh. Nhờ đó, nhà vệ sinh không còn là nơi ám ảnh đối với nhiều học sinh. Tuy nhiên, trước bài toán không ngừng gia tăng sĩ số, nhiều trường vẫn nan giải trong việc giải quyết vấn đề mùi hôi và tình trạng sàn nhà luôn ẩm ướt khiến học sinh dè dặt mỗi khi đi vệ sinh.

Tăng cường giáo dục ý thức học sinh

Mới đây, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã bổ sung cây xanh, hoa khô và túi đựng băng vệ sinh tại nhà vệ sinh nữ. Tương tự, khu toilet nam cũng được bày trí nhiều cây xanh và đầu tư các khoảng sáng. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng sẽ khiến học sinh cảm thấy thoải mái hơn khi có nhu cầu sử dụng, từ đó khả năng học tập và chất lượng sống cũng tăng lên”. Tuy nhiên, hiệu trưởng này cũng thừa nhận trường có tổng cộng 16 nhà vệ sinh nhưng chỉ có 6 nhân viên phục vụ.

Do đó, việc giáo dục ý thức cho học sinh thông qua những hành động nhỏ như nhắc nhở các em không ngồi xổm trên bồn cầu, không vứt giấy vào bồn vệ sinh, để rác dơ vào đúng nơi quy định… sẽ góp phần giảm tải cho bộ phận lao công và chất lượng nhà vệ sinh cũng được cải thiện. Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng để nâng cao chất lượng nhà vệ sinh trường học, ngoài việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trường học cần tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh bởi các em mới chính là những người trực tiếp sử dụng. Nhà vệ sinh có sạch đến đâu nhưng học sinh thiếu ý thức khi sử dụng thì tình trạng bốc mùi và ẩm ướt vẫn sẽ xảy ra. 

Đầu năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT tổ chức rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học. Thực hiện chỉ đạo này, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT 24 quận/huyện tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng hệ thống nhà vệ sinh tại các đơn vị trường học, thống kê những nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, đồng thời đề xuất, tham mưu UBND quận, huyện kinh phí sửa chữa, phấn đấu đạt mục tiêu trong năm học 2018-2019, 100% nhà vệ sinh trong trường học, cơ sở giáo dục đạt chuẩn.

Qua ghi nhận thực tế, nhà vệ sinh trường học cũng là công trình có kết quả khảo sát thực tế - theo cách nói vui của nhiều hiệu trưởng - là “ảo” nhất so với các hạng mục khác như phòng học, thư viện, nhà thi đấu, phòng chức năng. Bởi mỗi đợt thanh tra, kiểm tra vệ sinh của các đơn vị y tế đều được thông báo trước cụ thể ngày, giờ, trường có thể chủ động lên kế hoạch nâng cấp “cấp tốc” trong vài giờ. Cho nên, cũng nhà vệ sinh đó nhưng buổi sáng đoàn đến kiểm tra sạch sẽ, tươm tất thì cuối giờ học buổi chiều sẽ mang dung mạo khác do quá tải tần suất sử dụng của học sinh. Vì vậy, kết quả đánh giá sẽ không toàn diện. 

Tin cùng chuyên mục