Trong khi bệnh nhân mắc viêm gan B đang là gánh nặng lớn vì cần phải theo dõi và điều trị suốt đời, thì bệnh viêm gan C chưa có vaccine phòng ngừa và chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.
Kẻ giết người thầm lặng
Theo số liệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 325 triệu người (tương đương 4% số dân thế giới) đang bị nhiễm virus viêm gan B và C; ước tính có khoảng 57% số người nhiễm sẽ tiến triển thành xơ gan và 78% số người bệnh này sẽ bị ung thư gan tiên phát. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 1,34 triệu người chết do viêm gan B, C. Viêm gan virus có tỷ lệ gây chết người cao hơn cả bệnh lao, sốt rét, HIV. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ viêm gan virus cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương và chịu gánh nặng rất lớn từ căn bệnh này.
“Việc phòng ngừa viêm gan virus B, C từ sớm sẽ giảm được nguy cơ ung thư gan sau 20 năm hoặc hơn. Bệnh viêm gan virus có thể xảy ra với bất kỳ ai, trên thực tế có nhiều người đang khỏe mạnh rồi bất ngờ phải nhập viện, hôn mê sâu và có người không qua khỏi”, bác sĩ Hải thông tin.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết những người mắc viêm gan C có nguy cơ chuyển thành mạn tính chiếm đến 75% - 85%, nếu không được điều trị kịp thời.
“Vì chưa có vaccine phòng ngừa nên để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan C cần tuyệt đối không tiêm và sử dụng các sản phẩm máu không an toàn; tránh thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn không an toàn. Không sử dụng ma túy trái phép và dùng chung dụng cụ tiêm chích, cũng như tránh quan hệ tình dục không an toàn, hay dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn”, bác sĩ Cường nói.
Còn đối với bệnh viêm gan B, các chuyên gia y tế lưu ý đường lây truyền chính là từ mẹ sang con. Ngoài ra, viêm gan B còn lây truyền qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết cơ thể, một phần đáng kể lây qua các thủ thuật y tế hoặc dùng chung vật sắc nhọn như dao cạo râu... Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm khi phơi nhiễm nghề nghiệp xuyên qua da tới 30%.
Cần sự hỗ trợ của BHYT
Những năm gần đây, công tác điều trị và dự phòng căn bệnh này ở Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt. Việc thực hiện tiêm chủng vaccine viêm gan B đã giúp hạ thấp tỷ lệ viêm gan virus B trong cộng đồng, nhất là đối với trẻ em. Các cơ sở y tế trong nước cũng có bước tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan và có tỷ lệ thành công tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, những hậu quả và gánh nặng bệnh tật do viêm gan virus B, C vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, chi phí điều trị lớn và chưa được BHYT chi trả.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thẳng thắn thừa nhận công tác điều trị viêm gan đang là một gánh nặng và thách thức không nhỏ vì còn nhiều trường hợp mắc viêm gan B, C chưa được phát hiện (chiếm 90%). Việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán còn khó khăn, vì không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm gan B, C. Đồng thời, thuốc điều trị đối với viêm gan B, C còn đắt nên không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Việc chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C mới chỉ triển khai tốt ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh, còn hạn chế ở tuyến huyện.
Các chuyên gia y tế cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế và người dân về 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thì cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị triệt để viêm gan virus và các bệnh lý về gan ở các tuyến. Quan trọng hơn, Bộ Y tế cần đẩy nhanh việc đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý, để người bệnh có cơ hội được chữa khỏi.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, trước giá thành của một số loại thuốc điều trị viêm gan C còn rất cao, mới đây, Bộ Y tế đã họp Hội đồng xét duyệt thuốc và xác nhận cho phép lưu hành một số loại thuốc mới điều trị viêm gan C. Đồng thời đã làm việc với một số hãng dược phẩm, công ty dược lớn để thương lượng nhượng quyền sản xuất thuốc mới với giá thành rẻ so với giá thành sản xuất tại các nước khác, để giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận các thuốc mới trong điều trị viêm gan. |