Nặng lòng với những chuyến đò

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, ông Huỳnh Văn Thôn (Bảy Thôn) phải nghỉ học nửa chừng để bươn chải kiếm sống. Ông làm đủ nghề từ bán bánh dạo, làm thuê, gánh đá cho đến ra đồng giăng câu, đặt lờ, kéo côn bắt cá, nghề nào ông cũng thấm đẫm mồ hôi nhưng khó khăn vẫn chất chồng. Mãi cho đến khi gặp cơ may, chuyển sang nghề chèo đò, cuộc sống gia đình ông mới bắt đầu khấm khá.
Nặng lòng với những chuyến đò

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, ông Huỳnh Văn Thôn (Bảy Thôn) phải nghỉ học nửa chừng để bươn chải kiếm sống. Ông làm đủ nghề từ bán bánh dạo, làm thuê, gánh đá cho đến ra đồng giăng câu, đặt lờ, kéo côn bắt cá, nghề nào ông cũng thấm đẫm mồ hôi nhưng khó khăn vẫn chất chồng. Mãi cho đến khi gặp cơ may, chuyển sang nghề chèo đò, cuộc sống gia đình ông mới bắt đầu khấm khá.

Duyên nợ

Ông Bảy Thôn hiện cư ngụ tại thị trấn Phong Điền, thành phố Cần Thơ, là con thứ sáu trong một gia đình có đến 10 anh em. Năm 21 tuổi, sau khi lập gia đình, ông tìm được việc làm ở hợp tác xã. Tưởng đâu đã yên ổn, vậy mà sau một thời gian thì hợp tác xã giải thể. Hoàn cảnh khó khăn lại không nghề không nghiệp, vợ chồng ông chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ để đắp đổi qua ngày. May mắn thay! Giữa lúc đó thì có một người cùng quê muốn sang lại bến đò tại kinh B ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). Không bỏ lỡ cơ hội, ông chạy đôn chạy đáo vay tiền để sang lại bến và sắm đò đưa khách.

Ban đầu ông chèo đò tay, dần dần ông tích lũy vốn mua được máy. Công việc làm ăn ngày càng khá lên. Năng động lại thêm tính cần cù chịu khó, ông chưa bằng lòng với những chiếc đò thô sơ, dễ xảy ra tai nạn nên nhiều đêm ông nằm suy nghĩ cách đóng chẹt (một loại phà nhỏ) để chở được xe và người an toàn hơn. Đầu tiên ông liên hệ với chính quyền địa phương và công an đường thủy trình bày nguyện vọng và nhờ tư vấn. Sau khi được các cơ quan chức năng đồng tình, ông bắt tay vào việc đóng chẹt. Niềm an ủi và động viên lớn nhất đối với ông lúc bấy giờ là được vợ (chị Trần Thị Ngọc Dung) đồng tình ủng hộ bằng cách đem bán 6 chỉ vàng, kỷ vật ngày cưới và chiếc đồng hồ đeo tay, cộng thêm số tiền mượn của bà con để thực hiện ước mơ của mình.

Không bao lâu sau, ông hạ thủy chiếc chẹt chạy máy đầu tiên trên Kinh B với số vốn đầu tư trên 50 triệu đồng. Ngày khai trương, ai cũng ca ngợi ông là người tiên phong xây dựng bến đò ngang, một loại hình vận tải thủy hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến ông mời tham gia xây dựng bến bãi, ông trúng thầu và mang them niềm vui cho khách qua sông.

Năm 1999, bến đò Vàm Xáng tại thị trấn Phong Điền chính thức hoạt động. Ngoài việc đóng chẹt, ông còn thực hiện các công trình bến bãi, cầu dẫn, khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh. Để thu hút khách qua phà ngày càng đông, ông còn chủ động đứng ra bồi lộ, đắp đường, sửa cầu giúp cho người đi bộ và xe hai bánh thông thương dễ dàng. Sau đó là bến đò Rạch Sung và lần lượt thêm nhiều bến đò khác. Chi phí đầu tư cho mỗi chiếc chẹt hoặc phà, kể cả bến tốn khoảng 300 triệu đồng, trong đó có phương tiện trị giá trên 1 tỷ đồng.

Nhờ bản lĩnh và uy tín, tính đến nay ông đã xây dựng được 7 bến đò với tổng cộng 20 phương tiện. Năm 1999 ông đã thành lập cơ sở Phà đò Huỳnh Thôn. Từ đó đến nay, dưới sự hỗ trợ và quản lý của Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ, cơ sở của ông đã xây dựng được hai bến đò tại Vàm Xáng và Bà Hiệp đúng tiêu chuẩn. Tất cả thuyền trưởng, thuyền viên đều có chứng chỉ chuyên môn và được tập huấn công tác sơ cấp cứu đề phòng tai nạn xảy ra.

Ngay từ những năm đầu khởi nghiệp, ông Bảy Thôn đã gắn bó với những chiếc đò do mình tạo ra. Ông tâm sự: “Phà đò đối với tôi như một cái nghiệp nên lúc nào tôi cũng coi đò là tất cả, coi sự an toàn trên hết”. Từ tình cảm đó, ông đã cố gắng thực hiện đúng các quy định về pháp luật, trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như đèn, kèn, neo, cột phích, phao cứu sinh, bình chữa cháy… Nhờ vậy suốt hơn 20 năm hành nghề, Cơ sở Phà đò Huỳnh Thôn chưa để xảy ra một sự cố nào.

Giàu tiền, giàu cả chữ tâm

Đến Phong Điền, nhắc tới Bảy Thôn ai cũng biết ông là người tốt bụng. Mặc dù gia đình giàu có nhưng cuộc sống của vợ chồng ông rất bình dị, bản thân ông luôn khiêm tốn, dễ gần gũi và thân thiện với mọi người.

Ông Huỳnh Văn Thôn tại bến đò Vàm Xáng - Phong Điền do ông xây dựng

Ông tâm sự: “Mình xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo nên hơn ai hết rất thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo. Bây giờ đã đến lúc mình phải đóng góp cho xã hội”. Để làm được việc đó, đầu tiên ông tham gia Hội Khuyến học huyện Phong Điền. Ông không chỉ bỏ tiền giúp đỡ mà còn vận động nhiều người xây trường, xây cầu, làm đường, dựng nhà tình thương và giúp cho học sinh nghèo hiếu học. Đối với học sinh và cán bộ công nhân viên nhà nước, khi qua đò ông đều miễn phí. Đăc biệt, đối với các đám tang, các gia đình bệnh nhân, người tàn tật và gia đình chính sách qua đò ông cũng không lấy tiền. Từ những việc làm mang tính nhân văn đó nên nhiều người gọi ông là “ông Bảy từ thiện” .

Nhiều năm qua, vợ chồng ông đã ủng hộ cho các chương trình đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Năm nào vợ chồng ông cũng dành ra từ 40 - 50 triệu đồng để duy trì các hoạt động từ thiện. Cả đời sống cần mẫn, chắt chiu nhưng khi cuộc sống khá giả hơn ông vẫn sống nhân hậu, hiền hòa, nặng tình trọng nghĩa với nhân viên, bạn bè và hàng xóm.

Nói về việc làm từ thiện, ông chân tình “tất cả vì cái tâm”. Ông cho biết, vợ chồng ông cảm thấy rất hạnh phúc mỗi khi giúp cho ai đó vượt qua được những nỗi khổ đau. Chính vì vậy nửa đêm nửa hôm, dù có ai gọi đò ông cũng sẵn sàng chở đi cứu cấp. Không những thế, ông còn lấy xe nhà đưa đến bệnh viện và trả luôn viện phí cho những bệnh nhân nghèo. Có một lần giữa đêm hôm khuya khoắt, vừa nghe tin báo có một phụ nữ đưa con nhỏ đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ông liền nhanh chóng chạy ra bến đưa họ sang sông và còn hỗ trợ thêm tiền thuốc thang. Nhờ vậy đứa bé được cứu sống. Vào mùa nước nổi, ông còn dùng phà đưa rước học sinh miễn phí để bọn trẻ khỏi bỏ học. Đầu năm học 2015 - 2016, sinh viên nghèo Huỳnh Minh Trí ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) vì không có tiền đóng học phí, định bỏ học, ông đã đến động viên và hỗ trợ 5 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Phong Điền, đánh giá cao ông Bảy Thôn là người đi đầu trong các hoạt động xã hội ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, xứng đáng là một trong những gia đình gương mẫu ở Phong Điền”.

Nhớ lời dạy của người xưa “Gươm tuy tốt có mài mới sắc, tài tuy giỏi có học mới cao”, ông Bảy Thôn đã cố gắng học bổ túc văn hóa từ lớp 9 đến hết lớp 12. Ngoài ra ông còn chịu khó đọc sách báo, thường xuyên cập nhật tin tức để bổ sung kiến thức cho mình. Nhờ vậy nên ông liên tục đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực như: Giải nhất vòng thi cụm “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội bộ”, giải nhì toàn quốc “Người tự quản học và làm việc theo pháp luật”… Hiện nay, tuy mái tóc đã nhuốm màu thời gian nhưng năng suất làm việc của ông vẫn như thời trai trẻ.

Đò trả ơn người

Với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ông được mời ra Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước điển hình. Ngoài ra, ông còn nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ công an và của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và hàng chục bằng khen, giấy khen và giải thưởng khác.

Hiện nay, cơ sở của ông hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần phục vụ tích cực cho ngành giao thông thủy ở địa phương. Có được thành quả ngày hôm nay cũng có một phần góp sức của bà Ngọc Dung - vợ ông, một trợ thủ đắc lực luôn sát cánh bên chồng, cùng nhau vượt qua mọi gian khó.

Ông Nguyễn Thanh Đời, Phó Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Lộc 1, nhận xét: “Ông Bảy Thôn là một đảng viên không những cần cù lao động mà còn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Ông Huỳnh Văn Thôn đúng là một con người của nghị lực, của niềm tin và hy vọng. Ông đã sống hết mình vì một lý tưởng cao đẹp, không những cho riêng mình, cho gia đình mà còn cho cả cộng đồng.

Hoài Phương

Tin cùng chuyên mục