Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu tại TPHCM giai đoạn 2011-2015

Nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Để thực hiện chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tăng trưởng GDP và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của TPHCM, Sở Công thương TP đang lấy ý kiến của các sở, ngành chức năng và các chuyên gia lần cuối để hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, trình UBND TP phê duyệt.
Nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Để thực hiện chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo tăng trưởng GDP và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của TPHCM, Sở Công thương TP đang lấy ý kiến của các sở, ngành chức năng và các chuyên gia lần cuối để hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, trình UBND TP phê duyệt.

  • Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi

Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, quan điểm thực hiện đó là phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng, dịch vụ xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với thế mạnh của TP. Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao ảnh 1

Sản xuất băng chuyền xuất khẩu tại Công ty cổ phần cao su Bến Thành. Ảnh: KIM NGÂN


Mục tiêu tổng quát dự thảo chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu tại TPHCM là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của TP (trừ dầu thô) bình quân đạt 16%/năm trong thời kỳ 2011-2020, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 15%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt khoảng 100 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, hướng đến mục tiêu cân bằng cán cân thương mại. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu bình quân 15%/năm trong thời kỳ 2011-2020, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 16%/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 14%/năm.

Giai đoạn 2011-2015, TPHCM tiếp tục tập trung cho nhóm các sản phẩm có lợi thế về nguồn lao động và nguyên liệu trong nước như dệt may, da giày và thủy hải sản chế biến đến năm 2015 chiếm tỷ trọng cao (chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu). Đến năm 2015, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỉ trọng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu chiếm 2%. Đối với nhóm hàng nông - lâm - thủy hải sản, hướng phát triển chủ đạo của nhóm hàng này là chuyển dịch cơ cấu toàn lĩnh vực, trong mỗi ngành, thậm chí trong từng loại sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đến năm 2015 chiếm 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

TP cũng tập trung phát triển nhóm dịch vụ phục vụ xuất khẩu nhằm tác động mạnh mẽ và thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu ngày càng nhiều với quy mô kim ngạch ngày càng lớn như dịch vụ logistics, dịch vụ xuất khẩu phần mềm, hội chợ triển lãm, trung tâm thương mại quốc tế, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ công nghệ cao...

  • Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện được những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, dự thảo cho rằng, cần triển khai thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp. Trong đó, cần thiết có sự nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cùng các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức nghề nghiệp khác trong xã hội đối với công tác quản lý và hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp trong phối hợp triển khai thực hiện. Theo dự thảo, có 7 giải pháp cơ bản được nêu ra, đó là giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu; giải pháp về thị trường; giải pháp cụ thể đối với một số mặt hàng trọng điểm; giải pháp về tài chính; giải pháp về đào tạo và thu nguồn nhân lực; giải pháp về kiểm soát nhập khẩu và giải pháp về nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, hội ngành nghề và các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.

Bình luận về các giải pháp đưa ra trong dự thảo, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của TPHCM cho rằng, để kinh tế TP phát triển và chuyển dịch đúng hướng thì cần phải có một hạ tầng tốt để kết nối các tuyến đường trọng điểm ra vào cảng, các luồng lạch, kho tàng, bến bãi, cảng biển và các địa điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Về lâu dài, TP không phát triển thêm các KCN tổng hợp mà nên tập trung hình thành các KCN chuyên ngành theo hướng đồng bộ hóa và chuyên môn hóa như cơ khí chế tạo và điện tử; công nghiệp phần mềm, khu công nghiệp hoá chất, dệt may, da giày...; KCN liên kết sản phẩm phụ trợ, trở thành cánh tay nối dài của khu công nghệ cao. Xây dựng trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu và tổ chức hội chợ triển lãm thương mại hàng xuất khẩu với quy mô quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam với khách mua hàng quốc tế.

Phát triển các mô hình hỗ trợ xuất khẩu, xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, điện tử để kéo giảm giá thành. Đẩy mạnh việc liên kết phát triển kinh tế vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ) nhằm thực hiện việc dịch chuyển sản xuất, đáp ứng tốt nhất cho xuất khẩu. Trên cơ sở này, các địa phương phối hợp chặt chẽ hoạt động cung cấp thông tin, dự báo về thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu.

Đa dạng hóa thị trường cũng là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu. Do vậy, cần gắn kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước, vừa giữ vững các thị trường trọng điểm, truyền thống (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đông Nam Á, EU), đi đôi với việc đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu để tránh lệ thuộc, rủi ro trong xuất khẩu. Tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước...

Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là một trong những chương trình lớn nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ bản về nhóm các mặt hàng xuất khẩu của TP theo hướng chuyên sâu, mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp.

THÚY HẢI

13 chương trình cụ thể của kế hoạch chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu

Theo Sở Công thương TP, để thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015, dự thảo đưa ra 13 chương trình cụ thể, gồm:

1. Chương trình xây dựng Khu Bảo thuế trong Khu Công nghệ cao;
2. Xây dựng Trung tâm giới thiệu hàng xuất khẩu của TP;
3. Chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghệ cao;
4. Chương trình nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm;
5. Chương trình nghiên cứu, đào tạo và tư vấn thiết kế, cấu trúc bao bì, nhãn hàng phục vụ xuất khẩu;
6. Chương trình nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế; 7. Chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo Việt xuất khẩu;
8. Chương trình xây dựng sản phẩm nông sản chế biến cao cấp xuất khẩu với giá trị gia tăng cao;
9. Chương trình hỗ trợ tiếp cận thị trường xuất khẩu;
10. Chương trình xây dựng thí điểm hệ thống thông tin logistics;
11. Chương trình xây dựng mô hình chợ đầu mối đồ gỗ tại TPHCM;
12. Chương trình hỗ trợ đào tạo công nhân, chuyên gia kỹ thuật ngành gỗ;
13. Đề án xây dựng Trung tâm Logistics tại cảng Cát Lái.

Tin cùng chuyên mục