Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, ngày 25-3 tới, bà sẽ công bố những biện pháp cải cách mà bà tin rằng sẽ giúp cộng đồng trở nên an toàn hơn sau vụ xả súng này.
Năng lực tình báo yếu
Luật pháp New Zealand quy định, bất cứ ai trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm và không bắt buộc tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng. Theo ước tính của cảnh sát, tính đến năm 2014, New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp, tức là cứ 4 người dân thì có một người sở hữu súng - tỷ lệ cao gấp 2 lần so với quốc gia láng giềng Australia. Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây kêu gọi cải cách luật sở hữu súng đạn đều đang bị treo ở Quốc hội nước này.
Cuộc họp nội các ngày 18-3 cũng thảo luận về sự yếu kém của công tác tình báo của New Zealand. Trước khi vụ tấn công xảy ra, Thủ tướng Ardern cùng khoảng 30 quan chức khác đã nhận được thông báo ám chỉ về loạt vụ tấn công. Theo nữ thủ tướng, bà nhận được thông tin 9 phút trước vụ xả súng và đã ngay lập tức chuyển giao thông tin này cho lực lượng an ninh. Tuy nhiên, trong thông báo bà nhận được “không nêu địa điểm, cũng không nêu chi tiết cụ thể” về kế hoạch tấn công.
Truyền thông và mạng xã hội bị sờ gáy
Cùng ngày 18-3, một tòa án ở New Zealand đã bác đề nghị xin nộp tiền bảo lãnh của một nam thanh niên 18 tuổi sau khi đối tượng này bị đưa ra xét xử tại tòa án với cáo buộc phát tán video truyền trực tiếp vụ xả súng hôm 15-3 vừa qua. Theo tờ New Zealand Herald, dự kiến đối tượng (không được công bố danh tính) sẽ ra hầu tòa vào tháng 4 tới. Đối tượng trên đã bị cảnh sát bắt vào ngày 15-3, ngay giai đoạn đầu điều tra vụ xả súng. Đối tượng này bị cáo buộc phát tán video truyền trực tiếp vụ xả súng và đăng một bức ảnh chụp một đền thờ bị tấn công với thông điệp “trúng mục tiêu” cùng với các tin nhắn mang tính kích động bạo lực cực đoan. Cơ quan công tố cho biết, đối tượng này đối mặt với bản án lên tới 14 năm tù đối với mỗi tội danh trên.
Sau khi xảy ra vụ tấn công tại 2 đền thờ Hồi giáo ở TP Christchurch, làn sóng dư luận bùng lên mạnh mẽ tại New Zealand và Australia, yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự phát tán các hình ảnh và tuyên bố mang tính bạo lực.
Thủ tướng Ardern cũng yêu cầu các mạng xã hội giải trình về việc phát livestream diễn biến của vụ xả súng. Theo Facebook, mạng xã hội này đã dỡ bỏ 1,5 triệu video về vụ tấn công trên phạm vi toàn cầu trong vòng 24 giờ sau khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực này, đoạn video vẫn được phát tán rộng rãi trên mạng. Cơ quan truyền thông và thông tin Australia (ACMA) đã mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật của các mạng lưới phát tán lên mạng đoạn video truyền trực tiếp hoặc đăng hình ảnh vụ xả súng tại New Zealand.
Theo ACMA, cuộc điều tra chính thức của cơ quan này sẽ liên quan tới nội dung phát sóng trực tiếp của các đài truyền hình thương mại, quốc gia và truyền hình trả tiền. Chủ tịch ACMA Nerida O'Loughlin sẽ đề nghị giám đốc điều hành (CEO) các hãng truyền hình cung cấp “thông tin khẩn cấp về tính chất, quy mô và ấn định thời gian phát sóng nội dung liên quan tới các vụ xả súng, nhất là vào ngày xảy ra vụ tấn công”. ACMA có thẩm quyền áp đặt mức phạt đối với những hãng vi phạm luật phát sóng của cơ quan này.