Nga cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ

Các cuộc điện đàm giữa giới lãnh đạo Nga và Mỹ về tình hình Ukraine vẫn liên tục diễn ra nhưng 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và chưa bên nào tỏ ra nhân nhượng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng những nhóm thân phương Tây tham gia lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych có xu hướng cực hữu.

        Gậy ông sẽ đập lưng ông

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với người đồng nhiệm Mỹ hôm 7-3 rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào do Mỹ đưa ra chống lại nước Nga sẽ gây tổn hại cho chính phương Tây. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Lavrov nói với Washington “hãy tránh xa các quyết định vội vàng và thiếu thận trọng” trước tình hình Ukraine nếu không muốn quan hệ Mỹ - Nga xấu thêm. Ngoại trưởng Nga ví rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt chống lại Nga như một chiếc boomerang, loại vũ khí của người bản địa châu Úc, nếu ném không trúng đích nó sẽ quay trở lại chân người ném. Hay nói theo thành ngữ Việt Nam là “gậy ông đập lưng ông”.

Trước đó, theo Russia Today, Mỹ áp đặt hạn chế thị thực với các quan chức Nga và Cộng hòa tự trị Crimea với lý do mà Nhà Trắng gọi là “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine”.

Mặc dù Nga không nói rõ chiếc boomerang sẽ quay trở lại như thế nào, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng EU là người bị thiệt nhiều nhất nếu quan hệ Nga - EU rạn nứt do Mỹ cấm vận Nga. Nicolas Mazzucchi, nhà nghiên cứu địa kinh tế, chuyên gia cộng tác của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), trả lời trang mạng Atlantico của Pháp rằng tác động có thể sẽ vô cùng lớn và đối với một số nước, là quá sức chịu đựng, vì theo ông, Nga xuất khẩu phần lớn khí đốt và dầu lửa sang phương Tây. Dù vậy, ông cũng cho rằng Mỹ cũng đang quảng bá sẽ là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu trong tương lai và đang kêu gọi các nước Baltic và Bắc Âu mua khí đốt của mình thay vì mua của Nga. Liệu biện pháp trừng phạt Nga có phải là một nước cờ Mỹ muốn giành thị trường xuất khẩu khí đốt của Nga. Dư luận Nga cho rằng điều này hoàn toàn có căn cứ.

        Ukraine đứng trước nguy cơ cực hữu

Theo AFP, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 8-3 cáo buộc lực lượng cầm quyền hiện tại ở Ukraine phỉ báng vai trò của Nga ở Ukraine. Ông Lavrov nói: “Cái gọi là chính phủ lâm thời ở Ukraine không ở thế độc lập và thật đáng buồn là phụ thuộc vào các phần tử cực đoan, những người tiếm quyền bằng một cuộc đảo chính vũ trang”.

Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Mátxcơva, ông Lavrov tố cáo chính quyền mới ở Ukraine là các con rối trong tay của những phần tử cực đoan vũ trang. Ngoài ra, ông còn kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) điều tra những nhân vật đứng sau cái chết của hàng chục người tại Kiev trong các vụ bắn tỉa hồi tháng trước. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị OSCE tiến hành một cuộc điều tra khách quan về vấn đề này. Có quá nhiều điều dối trá và sự dối trá này từ lâu đã được tận dụng để đẩy dư luận châu Âu theo hướng sai lệch, trái với những sự thật khách quan”.

Giữa lúc phương Tây đã và đang hỗ trợ cho lực lượng biểu tình tại Ukraine lật đổ một tổng thống được dân bầu, nhiều chuyên gia phân tích chính trị trên thế giới cảnh báo một số người cả trong và ngoài chính phủ lâm thời hiện nay có khuynh hướng cực hữu và thậm chí là tân phát xít. Theo Reuters, một số chuyên gia phương Tây cũng đã dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của những kẻ cực đoan. Cũng theo Reuters, trong số các nhóm có khuynh hướng cực hữu được các nhà quan sát chú ý nhất là nhóm Svoboda (tự do) và Pravyi Sector (khu vực cánh hữu). Một thành viên nhóm Svoboda hiện giữ vị trí phó thủ tướng và một thành viên nhóm Pravyi Sector hiện là phó thư ký an ninh quốc gia. Nhóm Pravyi Sector có nhiều thành viên mang mặt nạ trùm đầu màu đen hiện vẫn còn chiếm đóng nhiều tòa nhà gần quảng trường Độc Lập ở Kiev. Nhóm này cũng đang tung ra các thông tin kích động kỳ thị nước Nga và tiếng Nga. Giáo sư Per Anders Rudling, ở Đại học Lund của Thụy Điển và là nhà nghiên cứu về các thành phần cực đoan của Ukraine, gọi nhóm Svoboda là “tân phát xít”. Nhà nghiên cứu Ivan Katchanovski tại Đại học Ottawa cho rằng nhóm này thực chất là đảng phái dân tộc bảo thủ. Chuyên gia nghiên cứu vấn đề bài Do Thái Andrew Srulevitch cho rằng Svoboda từng có nhiều phát ngôn bài Do Thái.

Svoboda xuất phát từ một tổ chức gọi là Đảng Xã hội - Dân tộc của Ukraine (SNPU), được thành lập vào năm 1991, có một logo gần giống như biểu tượng của phát xít Đức.

        LHQ lo ngại về trưng cầu dân ý ở Crimea

Về cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea dự kiến diễn ra vào ngày 16-3 tới, theo Euronews, Ủy ban Hiến pháp thuộc Hạ viện Nga đề xuất một phiên bỏ phiếu đặc biệt về quy chế cho Crimea 5 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Toàn thể Hạ viện Nga sẽ xem xét vấn đề này vào ngày 11-3.

Về phía chính phủ lâm thời Ukraine, theo Reuters, quyền Ngoại trưởng Ukraine, ông Andriy Deshchytsia, cho biết nước này sẽ không từ bỏ Crimea và sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng liên quan tới bán đảo trên Biển Đen. Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev của Ukraine, ông Andriy Deshchytsia nói: “Crimea đang và sẽ là lãnh thổ của Ukraine, chúng tôi sẽ không từ bỏ Crimea cho bất kỳ ai”.

Người phát ngôn của LHQ, ông Martin Nesirky ngày 8-3 mô tả quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của chính quyền Crimea là diễn biến “nghiêm trọng và đáng lo ngại”. Ông kêu gọi các bên nên xem xét tính chất phức tạp của vấn đề trước khi có bất kỳ hành động nào. Ông cho biết Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thúc giục chính quyền Ukraine, trong đó có Crimea bình tĩnh xử lý vấn đề này.

Ngày 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine và ngăn không để tình hình tiếp tục leo thang tại quốc gia Đông Âu này. Trung Quốc hối thúc tất cả các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng lưu ý đến lợi ích cơ bản của mọi cộng đồng sắc tộc ở Ukraine và những lợi ích xuất phát từ hòa bình và ổn định trong khu vực.

THỤY VŨ (tổng hợp)

>> Nga tôn trọng lựa chọn của Cộng hòa tự trị Crimea

>> Căng thẳng Nga-Mỹ liên quan đến bất ổn ở Ukraine

>> Nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu nhất trí sáp nhập vào LB Nga

Tin cùng chuyên mục