Nga đề xuất lập hệ thống an ninh vùng Vịnh tạo thế cân bằng với Mỹ

Ngày 9-8, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy nêu bật sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống an ninh ở vùng Vịnh và cho rằng, hệ thống này có thể đóng vai trò cốt yếu đối với việc củng cố các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong khu vực.
Tàu tuần tra hải quân Iran kiểm soát khu vực eo biển Hormuz
Tàu tuần tra hải quân Iran kiểm soát khu vực eo biển Hormuz

Đề cao an ninh tập thể

Theo hãng tin Nga TASS, ông D.Polyanskiy đã đề cập những nội dung nổi bật trong văn kiện mới của Nga đối với tình hình an ninh vùng Vịnh đang được thảo luận trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Theo đó, ông nêu rõ các nguyên tắc đề ra trong văn kiện này, bao gồm “tất cả các bên quan tâm đến việc xóa bỏ hang ổ của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ở Trung Đông cần phải tập hợp lại trong một liên minh chống khủng bố duy nhất”.

Về công việc thực tiễn tiến tới thiết lập hệ thống an ninh nói trên, ông cho rằng cần phải có những tham vấn đa phương giữa các bên, bao gồm những quốc gia trong và ngoài khu vực, HĐBA LHQ, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh. Tiến trình này cần hướng tới mục tiêu lâu dài là thiết lập một tổ chức an ninh và hợp tác tại khu vực này, bao gồm các nước trong khu vực cùng với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và các bên liên quan khác trong vai trò quan sát viên hoặc thành viên liên kết.

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Nga đã bắt đầu phát triển khái niệm an ninh tập thể ở vùng Vịnh. Các ý tưởng về vấn đề này được trình bày trong những văn kiện được cập nhật khi tình hình có những diễn biến mới.

Liên quan vấn đề này, hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn tuyên bố ngày 8-8 của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami khẳng định, kế hoạch gần đây của Mỹ về việc thành lập một lực lượng liên quân trên biển để hộ tống tàu thuyền sẽ không mang lại an ninh cho vùng Vịnh. Việc Mỹ muốn thành một liên minh quân sự với lý do bảo vệ sự an toàn cho tàu thuyền sẽ chỉ khiến tình trạng bất ổn trong khu vực leo thang hơn nữa.

Mỹ chưa tìm được đồng thuận

Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các nước tham gia vào sáng kiến kiểm soát hàng hải ở vùng Vịnh. Australia vẫn chưa đáp lại lời mời tham gia liên minh, trong khi Đức thẳng thừng từ chối với lý do tránh leo thang căng thẳng.

Giới quan sát nhận định, những nước tham gia vào liên minh do Mỹ lãnh đạo ở đây đều có lợi ích liên quan, chứ không phải hợp tác dưới lời hô hào “bảo vệ chính nghĩa” từ Washington. Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ có Anh háo hức đưa quân đội của mình tới vùng Vịnh sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của nước này tại eo biển Hormuz vì vi phạm luật hàng hải.

Theo Ynet News, Israel vừa đồng ý hợp tác với Liên minh chống lại sự ảnh hưởng của Iran ở vịnh Ba Tư do Mỹ lãnh đạo. Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz cho biết, Tel Aviv và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã đạt được các thỏa thuận liên quan đến mối đe dọa của Iran. Ai cũng biết Israel là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông nên việc Tel Aviv gia nhập liên minh do Mỹ khởi xướng là điều dễ hiểu. Mặt khác, bản thân Israel cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ Iran. Hồi tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của Quốc hội Iran cảnh báo, nước này có thể hủy diệt Israel chỉ trong 30 phút, sau khi Mỹ tung đòn tấn công đầu tiên vào Iran.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nêu điều kiện đàm phán với Mỹ, trong đó Iran phải được nối lại hoạt động xuất khẩu dầu nhưng cũng khẳng định Iran chỉ đàm phán khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này. Ông H.Rouhani còn bóng gió về hoạt động vận chuyển ở eo biển Hormuz hiện không còn như trước: “Không thể nói rằng eo biển Hormuz là nơi các bạn được tự do qua lại, trong khi eo biển Gibraltar bị hạn chế với chúng tôi”.

Tin cùng chuyên mục