Ngã rẽ nào cho học sinh lớp 12?

Thời buổi công nghệ 4.0, thông tin về nghề nghiệp dành cho học sinh tốt nghiệp lớp 12 rất dễ tìm thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, mạng xã hội. Tuy nhiên, làm sao để học sinh xác định đúng lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp, có những bước đi vững chắc trong tương lai, phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh không chỉ của chính các em mà còn của thầy cô, cha mẹ. 

Lựa chọn phù hợp với bản thân

Cuối tuần qua, tại Ngày hội hướng nghiệp với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM và Báo Giáo dục TP tổ chức, Th.S Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), dẫn chứng câu hỏi quen thuộc của các bạn trẻ: “Lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình?”. Để trả lời, vị này cho rằng cả 2 lựa chọn trên đều không hạnh phúc. Bởi muốn gắn bó với một công việc nào đó lâu dài thì bản thân người chọn phải yêu nó và ngược lại công việc đó cũng phải yêu bạn.

Ngã rẽ nào cho học sinh lớp 12? ảnh 1 Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đặt câu hỏi tại Ngày hội hướng nghiệp vào sáng 21-9
Do đó, để xác định được lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp, không chỉ dựa trên cảm xúc, lý trí của bản thân mà còn phụ thuộc thực tế xã hội. Trong đó, có những ngành nghề được đánh giá gần đạt ngưỡng bão hòa trên thị trường lao động nhưng vẫn có nhu cầu tuyển dụng, ngược lại nhiều lĩnh vực, ngành nghề được xem là tiềm năng hoặc đang thiếu hụt nhân sự nhưng không phải lao động nào cũng đáp ứng được. 

Các chuyên gia nhận định, để có lựa chọn phù hợp, học sinh cần phải hiểu rõ ngành nghề, cụ thể như tên gọi, bản chất, những yếu tố bề mặt và phần chìm, lợi ích của nghề cũng như khó khăn có thể gặp phải. Song, quan trọng hơn hết là các em phải xác định rõ bản thân có phù hợp với ngành đó hay không thông qua các kênh tư vấn như trao đổi với thầy cô, hỏi ý kiến người thân, tham gia các diễn đàn, Fanpage, group Facebook để có cái nhìn toàn diện hơn. Bên cạnh đó, một số yếu tố các bạn trẻ cần quan tâm khi lựa chọn ngành nghề (theo thứ tự ưu tiên) gồm: nguyện vọng và khả năng của bản thân; sức khỏe, thể trạng; nhu cầu nhân lực của xã hội; hoàn cảnh gia đình; môi trường làm việc; mức thu nhập và xu hướng chọn ngành của xã hội.

Nhà nghiên cứu, Th.S Tâm lý học Tô Nhi A lưu ý, nhiều bạn có sở thích không cố định. Ví dụ như, khi học cấp 1 bạn thích làm giáo viên, lên cấp 2 lại thích làm bác sĩ, sau đó khi học cấp 3 thấy ngành kinh doanh thật thú vị. “Đam mê của hiện tại chưa hẳn sẽ còn ở tương lai, đặc biệt là khi thất bại sau những nỗ lực theo đuổi đam mê đó. Vậy nên, hãy căn cứ vào sở trường của bản thân khi chọn ngành, chọn trường học. Khi càng giỏi một công việc, bạn sẽ yêu thích nó”, chuyên gia này phân tích. Có 3 sai lầm cần tránh khi chọn ngành là không hiểu đúng về năng lực bản thân, chọn theo phong trào và học vì nguyện vọng của cha mẹ.  

Kỹ năng thích ứng là đòi hỏi quan trọng

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới nói chung và xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi, người học không chỉ xác định phải học gì mà cần quan tâm hình thành một số giá trị cốt lõi, tồn tại độc lập với ngành nghề lao động. Đầu tiên, đó là kiến thức, trong đó đào tạo đơn ngành đang dần chuyển đổi thành đào tạo đa ngành, chú ý yếu tố hội nhập quốc tế về văn hóa và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hành trang nghề nghiệp đối với học sinh còn đòi hỏi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, tinh thần học tập suốt đời và tinh thần khởi nghiệp, có năng lực vượt qua khó khăn, thất bại. 

Ở khía cạnh khác, theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức (Sở KH-CN TPHCM), trong thời đại mới, người học không chỉ cần giỏi một môn hoặc một nhóm môn học để hoàn thành nhiệm vụ của một “cỗ máy làm thuê”, mà phải có ý thức và kỹ năng tương tác với xã hội, học từ chính môi trường sống của bản thân, học tập từ cha mẹ, những tấm gương tốt chứ không chỉ học qua kiến thức sách vở.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới phát triển theo hướng hiện đại hóa và hội nhập, chịu tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của 3 nhóm ngành nghề nổi bật gồm: nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật, nhóm ngành kinh doanh - thương mại - kế toán - tài chính và nhóm ngành dịch vụ (du lịch, truyền thông, ngoại ngữ). Nhìn chung, tất cả nhóm ngành nghề dẫn đầu về nhu cầu nhân lực đều có đặc điểm chung là chú trọng tính chuyên môn và khả năng ứng dụng vào thực tế. Vì vậy, để làm việc hiệu quả, nhân lực trong các nhóm ngành này cần được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, vốn ngoại ngữ, tin học vững vàng.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM, đúc kết: “Ngành nghề nào, trình độ đào tạo nào cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng riêng của nó. Quan trọng là các lựa chọn phù hợp thế nào với mỗi cá nhân và quá trình chuẩn bị thế nào để đạt hiệu quả”.

Tin cùng chuyên mục