Ngăn chặn buôn lậu trong tình hình dịch Covid-19

Chiều 19-8, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông tin cho báo chí về kết luận chỉ đạo của Phó trưởng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình dịch Covid-19 trước nguy cơ diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo này, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 lây lan rộng nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn phức tạp cả về quy mô và tính chất.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng của cả nước đã phát hiện và xử lý: 11.330 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 50.141 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 10.847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước 5.036 tỷ đồng.

Lực lượng thuộc Cục Hải quan TPHCM và Công an TPHCM phối hợp phát hiện, bắt giữ vụ buôn 30kg ma túy tổng hợp MDMA và Ketamin tại TPHCM vào ngày 16-8. Ảnh do Tổng cục Hải quan cung cấp

Những tháng qua, tại các khu vực cửa khẩu, các lực lượng chức năng vừa phải tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng như hải quan, bộ đội biên phòng, công an đã phối hợp bắt giữ được nhiều vụ vi phạm lớn.

Dự báo, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, trong các tháng cuối năm 2021, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm… có thể diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó trưởng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, yêu cầu Ban chỉ đạo 389 của các bộ và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng kế hoạch cụ thể về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp cũng như khi dịch được kiểm soát.

“Trước mắt, cần ngăn chặn các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” - Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, thị trường nội địa, nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sỹ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo nội bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục