Ngăn chặn buôn lậu vùng biên giới

Biên giới Tây Nam giáp biên giới Campuchia có chiều dài khoảng 1.130km, với đặc thù địa hình phức tạp, do vậy các đối tượng đã lợi dụng tổ chức buôn lậu ngày càng táo bạo, tinh vi, với số lượng lớn. Gần Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, hàng gian, hàng giả trên tuyến biên giới đường bộ, đường biển tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu vận chuyển dầu lậu trên vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH
Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu vận chuyển dầu lậu trên vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Tại Long An, hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới trong dịp gần Tết Nguyên đán diễn biến phức tạp nhất là ở các huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Trong đó, mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, đường cát.

Tại 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia dài gần 160km, các đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó lực lượng chức năng, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ. Với các đầu nậu chuyên nhập hàng lậu, thủ đoạn phổ biến là 1 tờ hóa đơn sẽ quay vòng nhiều lần, thay nhãn mác bao bì để hợp thức hóa chủng loại. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là đường cát, thuốc lá và mỹ phẩm (hầu hết xuất xứ từ Thái Lan). Các đầu nậu thuê đối tượng là các thanh niên bỏ học, lêu lổng, nghiện ma túy, chưa đủ 18 tuổi để làm “tay chân”, thậm chí chúng thuê cả phụ nữ và trẻ em để qua mặt các lực lượng chức năng…

Còn tại các cửa khẩu Tịnh Biên, Long Bình, Vĩnh Xương (An Giang) lại thường đa dạng các loại hàng hóa nhập lậu như: hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị, thậm chí có cả thịt trâu, bò…

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết, với các mặt hàng mang vác hoặc chở bằng xe gắn máy, các đối tượng vận chuyển thuê sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” khi bị phát hiện. Nếu có bị bắt thì nhất quyết khai “không biết chủ là ai, chỉ chở thuê”. Gần đây, xuất hiện một thủ đoạn mới là vận chuyển hàng lậu để tại một địa điểm định trước, nếu không bị phát hiện sẽ có người tới chuyển qua biên giới. Theo Đại tá Lâm Phước Nguyên, thời gian qua, các lực lượng chức năng của địa phương đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 1.572 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng giá trị hàng hóa bắt giữ là 119,6 tỷ đồng.

Trên vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đóng tại đảo Phú Quốc) cũng thường xuyên phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó nổi lên tình trạng vận chuyển trái phép dầu DO. Gần đây, lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, tịch thu 947.936 lít dầu DO, phạt tiền và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách 17,58 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 525 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, xử lý vi phạm thu nộp ngân sách nhà nước hơn 21 tỷ đồng và khởi tố 6 vụ, 6 đối tượng. Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát hiện, bắt giữ 33 vụ/9 đối tượng, thu giữ 29.650 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 40.700kg đường cát, 4.455kg phế liệu và hơn 19.000 lít dầu DO.

Tin cùng chuyên mục