Ngăn đà chứng khoán “đỏ lửa”

Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, VN Index giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm, đưa chỉ số VN Index giảm 146,49 điểm (-11%) sau 1 tuần giao dịch. Tính trong 10 năm trở lại đây, VN Index mới lại có nhịp giảm 6 tuần liên tiếp, mất hơn 22% giá trị vốn hóa toàn thị trường. 

Có lẽ các nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư F0 hiếm khi thấy các nhịp sóng giảm khủng khiếp đến mức này.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm. Đó là hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý các đối tượng có hành vi lũng đoạn TTCK, đồng thời siết chặt trái phiếu doanh nghiệp nhằm làm minh bạch thị trường. Bên cạnh đó là việc bán giải chấp của một loạt công ty chứng khoán, dẫn tới hiện tượng “tuyết lở”, ngay cả các cổ phiếu tốt cũng bị bán bất chấp. Ngoài ra, còn phải kể đến tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đến từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, hay cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Để tìm giải pháp cho bối cảnh hiện nay, trong cuộc họp với các thành viên thị trường tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán tăng trần, giảm sàn 5-10 phiên; HoSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chấp thuận cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nhằm hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở.

Tuy nhiên, điểm quan trọng nữa mà cơ quan quản lý cần tính toán là công bố hàng tháng lượng giao dịch ký quỹ mà công ty chứng khoán đang cung cấp. Thông tin công khai này sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về việc đang sử dụng đòn bẩy tài chính toàn thị trường ra sao, từ đó giúp ích cho các quyết định đầu tư. Thực tế, vài tuần gần đây, giá trị khớp lệnh của 2 sàn niêm yết trung bình khoảng 16.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi trước đó, thời điểm TTCK sôi động, nhiều phiên thanh khoản lên 30.000 tỷ đồng, thậm chí 40.000-50.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, lượng vốn đổ vào thị trường là rất lớn. Nếu lượng giao dịch ký quỹ được công bố định kỳ, nhà đầu tư cá nhân có thể nhận định tốt hơn những rủi ro mà mình sẽ đối mặt và “cơn say” chứng khoán có thể được kiềm chế hơn.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tháng 4, đã có thêm 231.275 tài khoản được mở mới (gồm nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, nước ngoài), trong đó, có 230.765 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Con số đó cho thấy, lượng nhà đầu tư mới tham gia TTCK vẫn ổn định ở mức cao. Thế nhưng, điều này lại tương phản hoàn toàn với mức thanh khoản sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của FiinGroup, tháng 4, nhóm nhà đầu tư cá nhân bán ròng 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng với số tiền đã bán ròng. Như vậy, nhiều khả năng sau khi bán ròng, số tiền này đã được các nhà đầu tư cá nhân rút ra khỏi TTCK. 

Sau 6 tuần giảm liên tiếp, định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn với P/E VN Index (giá trên lợi nhuận của các cổ phiếu sàn HoSE) khoảng 13 lần, và P/E của VN30 là hơn 12 lần - mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Nếu tính theo P/E Forward (P/E kỳ vọng) cho năm 2022, mức định giá trên càng trở nên hấp dẫn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị. TTCK là những cơn sóng lên - xuống. Song, về lâu dài, TTCK phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế, với xu hướng dài hạn là tăng. TTCK có những quy luật vận động riêng, tăng - giảm đan xen và các doanh nghiệp tốt vẫn là nơi để “chọn mặt gửi vàng”.

Tin cùng chuyên mục