Ngân hàng Nhà nước có thứ hạng công khai minh bạch ngân sách cao nhất

Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) của năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về công khai minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ, ngành; mặc dù vẫn có thể cải thiện thêm để thực hiện tốt hơn Luật Ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước có thứ hạng công khai minh bạch ngân sách cao nhất
Toàn cảnh lễ công bố 
Sáng 1-7, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) của năm 2019. Đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu và ở Việt Nam, và đây là lần thứ 2 chỉ số MOBI được công bố.

Cụ thể, kết quả khảo sát OBI 2019 cho thấy điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách.

Kết quả khảo sát MOBI 2019 cho thấy mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương đã có sự cải thiện so với năm 2018, cụ thể điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018.

Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2019, có 1 đơn vị đạt mức công khai tương đối, 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách.

Có 31 trên tổng số 44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019 (chiếm tỷ lệ 70,45%), cao hơn con số 17 bộ, cơ quan Trung ương trong kỳ khảo sát MOBI 2018 (tỷ lệ 45,95%).

Trong xếp hạng MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 73,17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5 trên 6 loại tài liệu được công khai; đó là dự toán năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý 1, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và quyết toán năm 2018.

Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 49,56 điểm quy đổi.

Ngân hàng Nhà nước có thứ hạng công khai minh bạch ngân sách cao nhất ảnh 2 Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) của năm 2018 và 2019 
Có 24 bộ, cơ quan Trung ương có công khai ít nhất một trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Có 7 đơn vị chỉ có điểm về tính thuận tiện (tức là có thư mục công khai ngân sách nhưng không có tài liệu kèm theo).

Có 18 trên tổng số 44 đơn vị công bố Dự toán ngân sách đơn vị năm 2020 (chiếm 40,91%), có 17 trên tổng số 44 đơn vị công bố Quyết toán ngân sách năm 2018 (chiếm 38,64%).

Có 8 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý 1 năm 2019, 10 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán 6 tháng năm 2019, 7 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán 9 tháng năm 2019 và 8 đơn vị công bố Báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm 2019.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, kết quả của 2 cuộc khảo sát (năm 2018 và 2019) về mức độ công khai ngân sách các cơ quan cấp bộ và cơ quan Trung ương trong việc tuân thủ Luật Ngân sách 2015 cho thấy, dù mức độ cam kết đã được cải thiện, nhưng trên thực tế các cơ quan này vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung trong Luật Ngân sách. So với các địa phương thì các cơ quan trung ương có cập độ minh bạch kém hơn.

Tin cùng chuyên mục