Một trong những điển hình của phương châm dạy chữ đi đôi với dạy làm người là Trường Tiểu học Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Từ câu chuyện giúp bạn vượt khó…
Qua cuộc trò chuyện thân mật, cô Lâm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng, chân tình chia sẻ những việc làm ý nghĩa mà thầy và trò đã chung tay làm nên nét đẹp học đường đáng trân trọng. Quyên góp, giúp đỡ cậu học sinh nghèo Lê Hoài Bảo, học sinh lớp 5/7, mà trường vừa phát động trong tháng 12 là một ví dụ. Bố mẹ chia tay khi Bảo còn nhỏ. Một tay bà ngoại chăm lo đứa cháu cút côi từ lúc chập chững đến lúc biết đọc từng con chữ. Nhà nghèo, học một buổi, buổi còn lại cậu học sinh thân hình gầy gò phải lủi thủi khắp các con phố bán vé số kiếm từng đồng tiền lẻ phụ giúp bà ngoại. Biết hoàn cảnh éo le của Bảo, từ đề xuất của giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyệt cùng ban giám hiệu đã đề ra kế hoạch hỗ trợ học bổng cho Hoài Bảo thông qua hình thức vận động giáo viên, học sinh đóng góp tiền giúp bạn vượt khó.
Và một ngày sáng thứ hai đầu tuần, dưới sân cờ, sau khi nghe kể về hoàn cảnh của Bảo (nhưng không nêu tên cụ thể), các mái đầu xanh đã vô cùng xúc động. Vừa dứt lời kêu gọi, các em hăng hái tiến đến thùng quyên góp bỏ vào những đồng tiền quà ba mẹ cho để làm việc nghĩa. “Mỗi học sinh một vài ngàn. Số tiền các em đóng góp không nhiều nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Góp gió thành bão, chỉ trong vài ngày đã thống kê được gần 2 triệu đồng. Sắp tới, sau khi tổng kết chúng tôi sẽ mời bà ngoại của Bảo lên trao lại, đồng thời mời cụ nói chuyện về những khó khăn mà hai bà cháu đã chống chọi và vượt qua để giáo dục bài học về tinh thần vượt khó, nghị lực sống và tình người cho các em” - cô Nguyệt xúc động nói.
| |
Câu chuyện giúp bạn vượt khó ở Trường Tiểu học Bình Hưng là nét đẹp truyền thống của các trường học tại huyện Bình Chánh bên cạnh rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng mang tính giáo dục nhân cách cho học sinh đã được các trường triển khai thực hiện đều đặn, xuyên suốt các năm học như thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; chăm sóc bảo quản di tích lịch sử tại địa phương; làm thiệp xuân; báo tường; tổ chức các gian hàng ẩm thực do các em tự bán và dùng số tiền thu được mua quà tết cho các bạn học sinh nghèo. Riêng trong năm 2013, phong trào “Giúp bạn đến trường” bằng hình thức nuôi heo đất, bán vé số gây quỹ đã quyên góp được 127.504.000 đồng và 516 bộ quần áo; phong trào “Nụ cười hồng 1, 2, 3” thu được 380.168.000 đồng chăm lo cho 1.129 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phong trào “Kế hoạch nhỏ” thu được 84.082.000 đồng với 23.405 học sinh tham gia đóng góp. Trong năm, học sinh các trường còn thực hiện mua tăm tre ủng hộ người khiếm thị, tham gia đóng góp xây dựng cầu Xóm Gò tại xã Phong Phú với số tiền trên 36 triệu đồng.
Đến tấm lòng hướng về biển đảo
Trao đổi về việc phối hợp triển khai chương trình “Thư xuân gửi biển đảo” do Báo SGGP phát động, thầy Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Chánh, phấn khởi cho biết, ngay sau khi các trường ra thông báo, các em học sinh đã nhiệt liệt hưởng ứng với hàng ngàn lá thư mộc mạc nét chữ, nội dung chứa đựng tình cảm thương mến, kính trọng gửi đến các chú bộ đội nơi đảo xa. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Đội TPHCM, Hội đồng Đội huyện đã triển khai chương trình “Măng non sẵn sàng vì biển đảo quê hương” đến 43 liên đội với 42.918 học sinh, đội viên tham gia bằng các hình thức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ, thi trắc nghiệm, vẽ tranh chủ đề về biển đảo quê hương, xem phim tư liệu, làm 500 thiệp và viết thư gửi bộ đội Trường Sa. Kết quả, chương trình “Vì học sinh Trường Sa” thu được tổng số tiền 121.971.000 đồng. Đầu năm học 2013, Hội đồng Đội phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổ chức hành trình “Thiếu nhi với biển đảo quê hương” giao lưu văn nghệ, nghe các chiến sĩ nói chuyện về biển đảo và tham gia “Một ngày làm chiến sĩ” tại Đồn biên phòng Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
MAI NGUYỄN