Ngành giấy lao đao

Đảo chiều đột ngột - trong nước tồn kho
Ngành giấy lao đao

Sau thời gian phải huy động tối đa công suất đáp ứng yêu cầu sử dụng giấy in báo, giấy in và viết trong nước, đến nay các doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng hàng tồn kho lớn, sản xuất cầm chừng. Cứu ngành giấy đòi hỏi phản ứng nhanh từ các nhà quản lý, nhưng mọi việc vẫn diễn ra rất chậm.

Đảo chiều đột ngột - trong nước tồn kho

Ngành giấy lao đao ảnh 1

Sản xuất giấy ở Công ty CP tập đoàn Tân Mai. Ảnh: T.TÂM

Ngay từ những ngày đầu năm, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã phải ngưng sản xuất tại hai nhà máy Giấy Đồng Nai và Giấy Bình An, chỉ còn duy nhất Giấy Tân Mai hoạt động trong khi trước đó mấy tháng, công ty này đã phải huy động hai nhà máy trên hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh mẽ.

Lúc đó, giá giấy in và viết, giấy in báo thế giới tăng cao, giá giấy trong nước tăng từ từ nhưng luôn luôn thấp hơn 2-4 triệu đồng/tấn (vì đây là mặt hàng nhạy cảm nên Bộ Công thương yêu cầu không được tăng giá theo sát với giá thị trường thế giới), vì thế, các doanh nghiệp in ấn báo chí quay sang sử dụng giấy trong nước, nhưng sản lượng giấy trong nước không đáp ứng yêu cầu.

Thậm chí, Tân Mai đã có lúc huy động cả dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn ở Nhà máy Bình An vào sản xuất mặt hàng giấy in báo, đưa công suất giấy in báo lên 6.500-7.000 tấn/tháng. Khi đó, Giấy Tân Mai đã hứng chịu búa rìu của dư luận khi sản xuất giấy in báo không kịp cung cấp cho các nhà in, đặc biệt có những nhà in báo khu vực phía Bắc không nhận kịp hàng đã không tiếc lời phê phán gay gắt.

Ai cũng biết, để chuyển đổi mặt hàng, Tân Mai đã phải cải tạo lại thiết bị, chỉnh sửa quy trình công nghệ. Làm được điều này là nhờ Tân Mai đang có những chuyên gia hàng đầu trong ngành giấy Việt Nam làm việc. Về cơ bản, hai nhà máy này đã đáp ứng được 75% nhu cầu cung ứng giấy in báo cho cả hai miền Nam-Bắc trong giai đoạn khó khăn nhất (7-2008).

Tuy nhiên, tình hình đã đột ngột đảo chiều khi những tháng cuối năm 2008 giá giấy thế giới giảm mạnh, các nhà đầu cơ đã tung hàng ra bán với bất cứ giá nào giữa lúc ngành in ấn thế giới giảm sút vì khủng hoảng, nhu cầu tiêu thụ giấy in, giấy in báo giảm mạnh. Thêm vào đó, thuế nhập khẩu giấy giảm mạnh chỉ còn 3% cũng là cú đánh bồi để giấy ngoại hạ gục giấy nội.

Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, thuế giảm bởi vào lúc giá giấy quá cao, để hỗ trợ các doanh nghiệp in ấn, chính ngành giấy đã đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế chỉ cho giấy in báo, giấy in và viết từ các nước ASEAN. Bộ Tài chính đã ngay lập tức giảm thuế nhập khẩu cho tất cả các loại giấy in, giấy viết, giấy in báo từ 5% xuống 0% với giấy in và viết và 3% với giấy in báo.

Đến khi giá giấy trên thế giới giảm, với mức thuế “ưu đãi” này, nguồn giấy nhập khẩu, chủ yếu từ ASEAN về, càng tăng mạnh và luôn bán thấp hơn giấy trong nước 0,5-1 triệu đồng/tấn tùy loại. Các doanh nghiệp trong nước vì thế phải giảm sản xuất, lượng giấy tồn kho lên đến cả trăm ngàn tấn.

Cứu ngành giấy - không dễ

Trong lúc nguồn cung đang dồi dào và giá rẻ, trong nước lại có dự án Vinakraf công suất tới 220.000 tấn/năm (bằng 1/3 sản lượng giấy bao bì trong nước) bắt đầu hoạt động, nhiều khách hàng đã cắt hợp đồng của các nhà máy khác trong nước để lấy hàng từ nhà máy này. Để nâng đỡ các doanh nghiệp trong nước, ngày 10-2 vừa qua, Bộ Tài chính đã quay lại đúng lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi từ các nước thành viên WTO, tức quay lại mức 29%.

Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, khi giảm thuế đối với khu vực ASEAN đã chưa tính toán hết khó khăn, vì hiện tại muốn nâng thuế đối với các nước ASEAN phải hỏi ý kiến Hội đồng ASEAN có chấp thuận hay không, dù là nằm trong mức cho phép. Vì thế Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương nhanh chóng tham vấn với các nước ASEAN để nâng về lại mức cũ. Điều khó khăn là nếu chờ Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN để hỏi ý kiến thì quá lâu, nên trước mắt có khả năng Việt Nam sẽ tuyên bố tình trạng tự vệ khẩn cấp để tăng thuế trở lại.

 Ngay trong tuần này, Hiệp hội Giấy Việt Nam sẽ họp với các doanh nghiệp, Cục Cạnh tranh và các bộ - ngành chức năng để bàn biện pháp ứng phó, cách thức dùng số liệu chính thức để chứng minh sản phẩm giấy từ các nước ASEAN gây khó khăn cho ngành sản xuất giấy trong nước. Điều quan trọng nữa, nếu không xử lý tốt thuế suất thuế nhập khẩu, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai 17 dự án giấy hiện đang đầu tư, vì trong tính toán, các dự án này đều đã tính lộ trình giảm thuế theo cam kết với WTO chứ không tính lộ trình giảm nhanh như vừa qua.

Trên thực tế, việc tăng thuế cũng chỉ giảm một phần áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước bởi nhu cầu sử dụng giấy in và viết, giấy in báo giảm và giá giấy nhập khẩu vẫn có nhiều điều kiện thấp hơn giá giấy sản xuất trong nước. Giải bài toán giá thành tiếp tục là một vấn đề của các doanh nghiệp ngành giấy.

Đồng thời, như ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn kêu gọi, các khách hàng nên ủng hộ doanh nghiệp giấy trong nước bằng việc cố gắng sử dụng giấy của các nhà máy này sản xuất.

Khi giá giấy thế giới tăng, vì là mặt hàng nhạy cảm nên hai doanh nghiệp lớn ngành giấy là Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Tân Mai đã cố gắng ghìm giữ giá để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, đến khi giá giảm khách hàng ngoảnh mặt với ngành giấy trong nước là không nên.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần linh hoạt để ngành giấy nhập khẩu nhanh các loại giấy vụn về làm nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ trong vay vốn, tạo dư luận thuận tiện để giúp ngành giấy vượt qua cơn bĩ cực này.

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục