Ngành hóa mỹ phẩm - Thừa tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp

Chỉ đáp ứng phân khúc giá rẻ
Ngành hóa mỹ phẩm - Thừa tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp

Thị trường hóa mỹ phẩm VN hiện đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu lớn với doanh thu ước tính bình quân giai đoạn 2009 - 2011 là gần 130 - 150 triệu USD/năm, tốc độ doanh số bán ra tăng bình quân hơn 30%. Theo đó, VN có khá nhiều ưu thế để phát triển nhưng đến thời điểm này hơn 90% thị phần rơi vào tay các thương hiệu lớn trên thế giới. Bao giờ VN mới có được ngành công nghiệp mỹ phẩm?

Chọn mua mỹ phẩm Thorakao tại Cửa hàng 241 Bis Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: Diễm Thy

Chọn mua mỹ phẩm Thorakao tại Cửa hàng 241 Bis Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: Diễm Thy

Chỉ đáp ứng phân khúc giá rẻ

Theo Hội Hóa mỹ phẩm TPHCM, cả nước hiện có khoảng  430 doanh nghiệp (DN), cơ sở đang hoạt động trong ngành hóa mỹ phẩm. Nhưng trên thị trường, các thương hiệu của VN tính được chưa đầy ngón tay như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Lana, Mỹ Hảo, Lan Hảo, Đông Á…

Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) tần suất xuất hiện của các loại mỹ phẩm trong nước ngày càng nhỏ bé. Có một dạo, Mỹ phẩm Sài Gòn đã phát triển được một loạt quầy hàng mẫu SC Perfume tại Thương xá Tax và một số siêu thị nhưng số lượng còn rất hạn chế. Riêng tại các TTTM có yếu tố đầu tư nước ngoài tại TPHCM hiển nhiên trở thành sân chơi cho hàng ngoại!

Một thực trạng đáng chú ý, các mặt hàng của các DN trong nước hiện chỉ đáp ứng được phân khúc giá rẻ của một số ít người tiêu dùng. Trong khi đó, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc bản thân của cả hai giới ngày càng gia tăng, thị trường mỹ phẩm VN đã trở thành “miếng bánh” hấp dẫn cho các thương hiệu thế giới vào khai thác. Giới trẻ ngày nay chỉ biết đến những thương hiệu như: Estée Lauder, L’Oréal, Clinique, Clarins, Maybelline, Oriflame, Missha, TheFaceshop... Đó là chưa kể đến hàng loạt các thương hiệu nước ngoài đã có nhà máy sản xuất tại VN, với các sản phẩm đa dạng, đẹp mắt như Olay, Pon’d, Avon…

Giám đốc một công ty mỹ phẩm tại TPHCM thừa nhận, sản phẩm của các DN mỹ phẩm trong nước không kém hàng ngoại về chất lượng, mẫu mã, nhưng điểm yếu không có sự đầu tư lớn, trong khi lĩnh vực này lại rất cần phải có kinh phí cải tiến sản phẩm, bao bì, nhất là kênh tiếp thị quảng cáo để người tiêu dùng hiểu được sản phẩm, từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu để gầy dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Khảo sát mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, người tiêu dùng đang trả tới hơn 50% cho thương hiệu sản phẩm để mua niềm tin cho mình!

Cơ hội nào cho mỹ phẩm trong nước?

Theo nhận định của bà Lê Thị Châu Giang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm ASEAN, cho dù sức ép hội nhập, tiến đến xóa bỏ các rào cản về thuế quan, đặc biệt với ngành mỹ phẩm rất lớn nhưng thị trường mỹ phẩm còn nhiều cơ hội cho các DNVN. Thứ nhất, DNVN hơn ai hết hiểu về văn hóa cũng như người tiêu dùng của mình muốn gì. Thứ hai, nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều diện tích đất đai để trồng cây nguyên liệu (như bạc hà, tràm, sả, hồi...) để cung ứng nguồn nguyên liệu tinh dầu, hương liệu phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm. Đây là lợi thế rất lớn không phải quốc gia nào cũng có được.

Theo đó, trong tiềm thức của nhiều thế hệ người tiêu dùng VN thì những sản phẩm làm đẹp truyền thống từ thảo dược như nghệ… vẫn còn nguyên giá trị. Thứ ba, DNVN có điều kiện tiếp cận nhanh nhất từ Chính phủ trong việc ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực của mình. Đó là chưa kể, dân số của VN đông, với tỷ lệ người trẻ chiếm tới phân nửa nên nhu cầu sử dụng mỹ phẩm là rất lớn.

Thế nhưng, để biến tiềm năng thành hiện thực, theo bà Giang, các DN cần có sự đầu tư bài bản, có chiến lược phát triển ngành trong ngắn hạn và dài hạn. Đối với ngành mỹ phẩm, công tác marketing là cực kỳ quan trọng, bởi yếu tố thành bại là do niềm tin của người tiêu dùng quyết định. Lắng nghe để hiểu và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng muốn gì, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất và marketing đồng bộ là chìa khóa thành công của nhiều DN trong khu vực.

Trên thực tế, tự thân các DN không thể làm được những việc lớn lao, mà cần có sự tham gia, góp sức từ nhiều phía mới tìm được hướng đi đúng. Ở tầm vĩ mô, các bộ cũng phải hoạch định chiến lược trồng gì và đầu tư khai thác ra sao nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển bền vững. Để sản xuất hiện các DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ hơn 20 quốc gia nên phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như biến động cung cầu, giá cả…

Từ thực tế sản xuất, bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, một DN hiếm hoi thành công trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm tại VN cho biết việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng thế giới, cộng với sự năng động, sáng tạo trong việc thiết kế bao bì, mẫu mã đặc trưng của từng DN gắn với bản sắc văn hóa VN đã mang lại thành công cho thương hiệu nước hoa của Mỹ phẩm Sài Gòn.

Nói cách khác, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu DN xác định đúng phân khúc, đối tượng tiêu dùng để tìm cho mình một hướng đi riêng với những sản phẩm độc đáo, chất lượng nhưng giá bán cạnh tranh, chắc chắn DN đó sẽ thành công. Theo đó, ngành mỹ phẩm trong nước cũng rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng trong việc chống hàng gian, hàng giả đang diễn ra diện rộng trên thị trường.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục