Ngày này cách đây 84 năm, ngày 21-3-1925, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nông dân Trung Quốc”. Đây là một chủ đề được nhà cách mạng Việt Nam rất quan tâm vì nó liên quan đến một lực lượng khổng lồ của nước Trung Hoa rộng lớn, song cũng là một vấn đề sát sườn với mục tiêu vận động cách mạng ở Việt Nam.
Ngày 21-3-1947, trong “Thư cảm ơn đồng bào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khắp mọi nơi, các đoàn thể, các bộ đội, các hội tôn giáo, các cháu thiếu nhi có gửi thư hứa với tôi rằng: kiên quyết ủng hộ trường kỳ kháng chiến, ra sức thực hành tăng gia sản xuất, hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư, cố gắng phát triển bình dân học vụ. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa với đồng bào rằng Chính phủ quyết làm tròn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.
Nhằm tăng cường cho Mặt trận Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh, ông Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh và ông Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam bộ.
Tháng 3-1953, tại Việt Bắc, trong hội nghị cán bộ phụ nữ về vấn đề phát động quần chúng nông dân, trong nhiều vấn đề được trình bày, Bác nêu rõ thái độ đối với giai cấp địa chủ: “Phải hiểu chế độ phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ăn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến xã hội phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội. Ăng ghen dù là con nhà tư bản, ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta... Ở nước ta, có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy”.
Ngày 21-3-1962, cũng trong một phiên họp của Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, những 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thò gang thép cũng không làm được”. Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi nên giao cho ai thì phải giao trách nhiệm rõ ràng. Ai làm được thì khen, thấy ai làm sai mà không có thái độ (sửa chữa) rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà ngược lại không thấy phạt một ai), ý tôi là chúng ta còn nhu nhược với vấn đề này”.
D.T.Q và nhóm cộng sự