

Từ sau mốc son lịch sử của dân tộc 30-4-1975, hàng năm vào tháng tư chúng tôi lại thấy xao xuyến nỗi nhớ khó tả...
Vâng, như một cuốn phim, ký ức được khơi thức và những hình ảnh sống động như mới xảy ra hôm qua thôi về cuộc chiến tranh, về những lát cắt của chiến tranh mà góc độ mỗi người - là người trong cuộc - cảm nhận bằng chính xương máu, sinh mệnh của mình.
Những ngày tháng tư của 33 năm về trước, tôi là lính của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đơn vị tôi, từ tháng 3-1975 đã đánh giặc từ Quảng Trị, giải phóng Huế, Đà Nẵng và hành quân tiến dần về Sài Gòn.
Những ngày tháng tư, từng địa danh, vùng đất của miền Trung Trung bộ, Nam Trung bộ cứ lần lượt ùa ập đến với chúng tôi qua từng trận đánh, từng cuộc hành quân bằng xe cơ giới hay hành quân bộ...
Trận chiến đấu ở Phan Rang ngày 16-4, tôi thoát chết bởi một loạt đạn 20 ly từ máy bay địch bắn xuống, tiếng đạn rít đến giờ vẫn cảm thấy rợn người. Nhưng sau đó, bù lại tiểu đội tôi được một gia đình ở Phan Rang cho ăn một bữa cơm ngon chưa từng thấy. Chiến tranh kể cũng lạ, người ngoài cuộc thấy run sợ, người trong cuộc thì thanh thản và vô tư. Đấy là tôi nói về lớp chúng tôi, ở thời điểm ấy. Nhưng sau này có dịp kiểm chứng qua các chiến trường Lào, Campuchia, biên giới phía Bắc, tôi cảm nhận một điều, đánh giặc là sự tất yếu của người lính (từ cán bộ đến chiến sĩ); người lính không có sự toan tính, sợ hãi, và họ luôn luôn lạc quan cho dù hiểm nguy, gian khổ họ đã, đang và sắp phải trải... Đó là phẩm chất của người lính cách mạng, phẩm chất của con người, dân tộc ta để làm nên chiến thắng. Như vậy, không có nghĩa là chúng tôi không từng chứng kiến sự cơ hội, sợ hãi và hèn nhát đến thảm hại của một số cá nhân trong hàng ngũ chúng tôi. Vâng, chỉ có thể cắt nghĩa rằng chúng ta đều là con người. Con người với những đặc tính mà tạo hóa đã tạo nên...
Trung đoàn tôi vinh dự được nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 26-4. Chiều ấy, trong rừng cao su ngoại vi huyện lỵ Long Thành, đơn vị tôi đã phải chịu tổn thất, máy bay địch ném bom và bắn phá khu vực ém quân. Bạn cùng phố, cùng nhập ngũ với tôi - Căn, đã ngã xuống trước giờ khai cuộc chiến dịch cuối cùng của chiến tranh. Cũng nhá nhem chiều ấy, chúng tôi chạy pháo của địch thở ra đằng tai. Cuộc chiến đấu ở Long Thành diễn ra rất ác liệt. Một nhóm quân địch chiếm giữ tháp nước án ngữ ngã ba hướng tấn công chính của quân ta. Xe tăng ta bị bắn cháy, bộ binh bị tổn thất nặng. Cuối cùng một chiếc xe tăng của ta phải ủi rúc vào một ngôi nhà để ngụy trang và dùng pháo tăng tiêu diệt ổ kháng cự trên tháp nước.
Ở mũi tấn công khác, Sư đoàn 304 cùng đại bộ phận Lữ đoàn xe tăng 203 thọc vào đánh chiếm trường huấn luyện sĩ quan bộ binh, trường huấn luyện biệt kích rồi tiến thẳng ra trục đường Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đường phối hợp đánh khu căn cứ tổng kho Long Bình, rồi theo xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, tiêu diệt địch chốt giữ cầu Bình Triệu đánh thốc vào trung tâm đầu não của địch - Dinh Độc Lập. Họa sĩ Lê Duy Ứng, theo xe tăng đã bị thương hỏng mắt trong trận đánh trường bộ binh.
Sư đoàn chúng tôi được lệnh áp Sài Gòn theo hướng Nhơn Trạch - Cát Lái - Thành Tuy Hạ rồi thọc vào Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn đánh trực tiếp vào quận 1... Đánh xong Long Thành, đơn vị ào hướng Nhơn Trạch như lốc cuốn. Ở Nhơn Trạch pháo cao xạ dàn trận địa giữa cánh đồng, trực thăng địch ra quần đảo, cao xạ 37, 57 ly bắn rụng tơi tả, bà con sướng quá reo hò chưa bao giờ thấy máy bay rơi “ngon”, rơi nhiều đến thế...
Ngày 29-4, đơn vị tôi đã ở huyện Thủ Thiêm, áp sát sào huyệt cuối cùng của địch, chuẩn bị cho ngày mai tổng công kích vào Sài Gòn. Tôi được điều lên Ban tuyên huấn trung đoàn, sau khi cùng hai đồng chí áp giải hơn 30 tù binh trong trận Long Thành, băng qua bạt ngàn nhữõng cánh rừng cao su vào chập choạng tối trao cho lực lượng quân sự địa phương an toàn. Sáng 29-4, thiếu úy Thiện - trợ lý tuyên huấn trung đoàn giao cho tôi chiếc máy ảnh tự động bảng hiệu Konica và cuộn phim, bảo chụp (chẳng là tôi có nghề chụp ảnh của gia đình trước khi vào bộ đội). Cánh quân phía Đông của chúng tôi sau khi tiêu diệt và làm chủ cụm căn cứ Cát Lái, Thành Tuy Hạ, sức đề kháng còn lại nói chung không đáng kể so với sức mạnh trời long đất lở, với khí thế hừng hực chiến thắng của bộ đội giải phóng.
Sáng 30-4, sau khi tiêu diệt một ổ đề kháng của địch, đơn vị chúng tôi chuẩn bị vượt sông Sài Gòn bằng phà Thủ Thiêm. Tinh thần bộ đội lúc này phấn chấn lạ thường. Sài Gòn đã ở ngay trước mặt, đã ở trong tầm tay. Những ngôi nhà cao tầng ở trung tâm Sài Gòn hiện rõ mồn một. Trên sông Sài Gòn tàu, thuyền bị bắn cháy đang bốc khói cuồn cuộn. Tôi và anh Thiện đều ghi được những hình ảnh hiếm có ấy. Vượt sông, chúng tôi lập tức đi đánh chiếm Bộ Chỉ huy hải quân của ngụy trên đường Bạch Đằng, chiếm Tổng nha Chiến tranh tâm lý... rồi khách sạn Majestic... Lúc này trên nhiều đường phố Sài Gòn xe tăng và bộ đội giải phóng đã ung dung đi lại. Các cánh quân lớn đều đã hội tụ ở Sài Gòn-sào huyệt đầu não của chính quyền ngụy.
Trong lúc chờ đợi các chiến sĩ ta cắm cờ ở bộ chỉ huy hải quân ngụy, chiếc máy ảnh của tôi bấm đến kiểu cuối cùng. Hết phim, gay quá. Vừa may lúc đó tôi thấy trên đường Bạch Đằng hai người nước ngoài, một nam, một nữ trên người đeo lủng lẳng đầy máy ảnh; tôi chạy đến ngăn họ lại và ra hiệu chỉ vào chiếc máy ảnh của mình, miệng nói: “Phim, phim...”. Họ hiểu ra, vui vẻ mỗi người đưa cho tôi một cuộn phim, rồi còn đứng chụp ảnh chung cùng tôi và mấy anh em gần đấy.
Thật là những giờ phút không bao giờ quên trong đời đối với mỗi người lính chúng tôi. Mới hôm qua thôi còn gối đất nằm sương, hướng họng súng và căng đôi mắt về phía quân thù, hôm nay ngẩng cao đầu đi trong thành phố đầy nắng đầy gió, cái thành phố mà trước đây có mơ ngày chiến thắng cũng chẳng hình dung ra được...
Một chiếc xe Jeep xịch tới, thượng úy Đặng Trường Sơn - Trưởng ban tuyên huấn trung đoàn vẫy tôi lên xe, trên xe đã có mấy cán bộ trung đoàn và anh Thiện. Xe thẳng hướng chạy tới Dinh Độc Lập, lúc này là hơn 12 giờ trưa ngày 30-4-1975. Xung quanh Dinh Độc Lập đầy xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân và tràn ngập màu xanh quân giải phóng. Những chiếc xe tăng của bộ đội đang đậu trong sân Dinh Độc Lập trông thật hiền lành, dễ thương. Thật khác hình ảnh lúc nó xung trận lao thẳng về phía quân thù... Bà con Sài Gòn sau những phút do dự ban đầu ùa tới vây lấy bộ đội giải phóng hỏi han đủ thứ chuyện, rồi nắn chân nắn tay, sờ quần áo, mũ... Nhiều người thốt lên: “Ủa, Việt cộng mà trông hiền khô, trắng trẻo, có chú còn mập nữa chớ. Vậy mà, nghe tụi nó nói bảy người đu lên cọng đu đủ không gãy...”.
Các chàng trai, cô gái Sài Gòn áo chẽn, quần loe tranh nhau đến chụp ảnh kỷ niệm bên những chiếc xe tăng bám đầy bụi đất. Nhiều cô gái tinh nghịch còn leo hẳn lên tháp pháo...
Đêm 30-4-1975 và ba ngày sau đó, tôi cùng hai đồng đội được lệnh trông giữ, bảo vệ khách sạn Majestic. Khách sạn Majestic là khách sạn sang trọng bậc nhất thời ấy của chế độ ngụy. Trên tầng chót của khách sạn bị sạt mấy phòng do trúng đạn pháo của ta bắn từ Nhơn Trạch vào hôm 28-4. Khách sạn nằm bên bờ sông Sài Gòn lộng gió. Đêm. Đường phố sáng trưng, người dân đi lại tự do, cảm giác thật thanh bình. Chúng tôi thức trọn đêm đó bởi niềm vui chiến thắng quá lớn, bởi tâm trạng mỗi người lính chúng tôi thật khó có thể diễn đạt thành lời. Cho đến hôm nay, hơn 30 năm đã trôi qua, mỗi dịp tháng tư tôi cảm ơn số phận đã cho tôi được sống, được tự hào đã tham dự giờ phút đầy hào hùng và linh thiêng của dân tộc, những ngày ấy, những kỷ niệm ấy không bao giờ quên.
CAO MINH