Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tăng cường đồng thuận, niềm tin của nhân dân

Bộ Chính trị đã đưa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam là một trong 3 tổ chức Đảng quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, bao gồm: Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Đồng chí Trương Thị Mai cùng các đại biểu tham dự hội nghị
Đồng chí Trương Thị Mai cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Ngày 28-9, tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của MTTQ Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là kết quả nổi bật của quá trình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận, mà trọng tâm là địa bàn dân cư, hướng mạnh về cơ sở, thu hút được sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong các giai đoạn.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tăng cường đồng thuận, niềm tin của nhân dân

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tăng cường đồng thuận, niềm tin của nhân dân

Ngày hội là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo nhất của các tầng lớp nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, từ khi phát động năm 2000 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội của mặt trận đã vận động được hơn 84 ngàn tỷ đồng để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, xây mới và sửa chữa nhà đại đoàn kết; hỗ trợ lượt khám, chữa bệnh và học tập của học sinh, sinh viên; giúp đỡ phát triển sản xuất. Năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của mặt trận đã có 189 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ 296 tỷ đồng để giúp đỡ khoảng 6.000 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc. Kết quả này một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, việc Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức rất hiệu quả để mặt trận phát huy được vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.

MTTQ đã trải qua gần hết chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam khóa IX và đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành Nghị quyết của đại hội, dự kiến tháng 10-2024 sẽ tổ chức Đại hội MTTQ nhiệm kỳ tiếp theo. Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo đại hội MTTQ các cấp và đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Bộ Chính trị cũng đã đưa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam là một trong 3 tổ chức Đảng quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, đó là Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Tháng 9-2023, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tiếp tục thể chế chủ trương của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và mặt trận phải tiếp tục tham mưu đưa những chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam.

“Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời và rất cần sự đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng và nhân dân để nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội Đảng lần thứ XIII”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở.

Ngày 28-9, tại Bắc Ninh đã diễn ra hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 18, khóa IX. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày một số nội dung xin ý kiến Đoàn Chủ tịch vào dự thảo đề cương tổng quát báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội nghị

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội nghị

Theo đó, chủ đề đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. Tiêu đề báo cáo chính trị dự kiến 3 phương án. Một là tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Hai là đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Ba là phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Báo cáo chính trị gồm 2 phần: tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Trong dự thảo đề cương tổng quát của báo cáo chính trị dự kiến 5 khâu đột phá: thể chế, hoàn thiện chủ trương, chính sách để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò nòng cốt chính, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng công tác giám sát phản biện xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ mặt trận; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình nhân dân; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống mặt trận.

Gắn với các khâu đột phá, trong nhiệm kỳ sẽ tổ chức xây dựng và triển khai đồng bộ 4 đề án: bồi dưỡng cán bộ mặt trận các cấp giai đoạn 2024 - 2029; chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; đánh giá sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân.

Dự kiến, tháng 10-2024 sẽ tổ chức đại hội MTTQ nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo đại hội MTTQ các cấp và đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tin cùng chuyên mục