Nghề “xê dịch”

Nhà báo thể thao, dưới góc nhìn của nhiều người, được đi nhiều nơi, được tiếp cận với những nhân vật thể thao nổi tiếng, được theo dõi trực tiếp các sự kiện thể thao tầm quốc gia và quốc tế... Nhưng nghe thì “sướng tai”, song kỳ thực đây cũng là công việc như bao nghề khác trong xã hội - đáng được trân trọng.
Giới truyền thông thể thao quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại một kỳ SEA Games. Ảnh: P.MINH
Giới truyền thông thể thao quốc tế và Việt Nam tác nghiệp tại một kỳ SEA Games. Ảnh: P.MINH

Để bám trụ với nghề này, đam mê thôi là chưa đủ, nhà báo thể thao cần phải sở hữu một nền tảng thể lực bền bỉ, cùng khả năng chịu áp lực từ cường độ làm việc cao, khi guồng quay của các sự kiện thể thao diễn ra liên tục, phải chạy đua cùng thời gian.

Bằng niềm đam mê cùng trách nhiệm với chọn lựa của bản thân, những biên tập viên, phóng viên thể thao đã cố gắng vượt lên khó khăn giữ vững ngòi bút trong sáng, đưa những con chữ, thước phim chiếm lấy trái tim của độc giả.

Không sai khi nói nhà báo thể thao là công việc của sự “xê dịch”. Sân vận động hay nhà thi đấu trở thành điểm hẹn cuối cùng, để cánh phóng viên mang nặng trên vai chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc, cùng một vali kéo chứa máy ảnh, máy quay tác nghiệp. Song khắc nghiệt nhất vẫn là “mặt trận thông tin” ở sân chơi cỡ Olympic, Asiad, hay SEA Games. Chính sự lệch pha về ngôn ngữ, múi giờ, thời tiết, điều kiện sinh hoạt, ăn uống... của nước chủ nhà khiến chúng tôi mắt thâm quầng, sụt ký vì phải thức khuya dậy sớm, di chuyển liên tục đến các địa điểm thi đấu. Đôi khi mọi người cắn vội ổ bánh mì, ăn tạm tô mì gói, hay ra đường “bạ gì ăn nấy”.

Hai kỳ SEA Games tác nghiệp ở Hà Nội và Phnom Penh (Campuchia), đến các địa điểm thi đấu song hiếm khi tôi xem trọn một trận thi đấu nào của các đội tuyển Việt Nam. Vai trò của một cây bút hiện trường là truyền tải những thông tin mà độc giả ở nhà không thấy được qua màn hình nhỏ. Đó là khoảnh khắc vận động viên mang vinh quang về cho thể thao nước nhà, hay giọt nước mắt từ nỗi buồn thất bại. Hoặc những câu chuyện bên lề đầy xúc cảm về tình gia đình, thầy trò, tình bạn xuyên biên giới, để biến SEA Games trở thành sự kiện nhân văn, thắt chặt đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN.

Có khi phóng viên len lỏi từng ngóc ngách khán đài để ghi chép cảm xúc của người thân tuyển thủ, cổ động viên... Từ đó, người viết dần đồng cảm với chính nhân vật mà mình đưa tin. SEA Games 32, chúng tôi thấy giọt nước mắt lăn dài trên gò má của nữ võ sĩ Ju-Jitsu Phùng Thị Huệ vì không bảo vệ được tấm HCV. Cô lấy ba lô che đi sự yếu đuối của mình trước ống kính truyền thông. Trong đầu tôi thoáng lên suy nghĩ, hay dừng lại việc ghi hình? Song sự rạch ròi của công việc đã lấn át tình cảm. Bởi độc giả ở nhà cũng muốn được hiểu thêm về cảm xúc thất bại, từ đó có lời sẻ chia, động viên đến những tuyển thủ đã chiến đấu hết mình, song không thể đem vinh quang về cho nước nhà.

Tin cùng chuyên mục