Nghiêm trị để có môi trường sạch

Bất chấp Jakarta phản đối, Chính phủ Singapore vẫn không bỏ ý định truy tố 6 công ty của quốc gia láng giềng được cho là thủ phạm gây ra nạn cháy rừng hàng năm, làm ô nhiễm bầu trời Singapore và một phần khu vực Đông Nam Á.
Nghiêm trị để có môi trường sạch

Bất chấp Jakarta phản đối, Chính phủ Singapore vẫn không bỏ ý định truy tố 6 công ty của quốc gia láng giềng được cho là thủ phạm gây ra nạn cháy rừng hàng năm, làm ô nhiễm bầu trời Singapore và một phần khu vực Đông Nam Á.

Mây bụi xuất phát từ Indonesia do nạn đốt rừng khai hoang trồng cây làm giấy và lấy dầu. Năm 2015, tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng và nghiêm trọng đến mức ở Malaysia, Singapore và một phần Thái Lan khiến trường học phải đóng cửa và hàng ngàn người nhập viện. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Theo Đại sứ Singapore tại Jakarta Anil Kumar Nayar, Chính phủ Singapore đã yêu cầu ngành tư pháp truy tố 6 công ty Indonesia bị xem là thủ phạm chính và cảnh cáo một số doanh nghiệp khác.

Các vụ cháy rừng ở Nam Sumatra Indonesia, làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng đến các nước láng giềng.


Singapore đã thông qua kế hoạch hành động chống khói mù xuyên biên giới từ năm 2014, theo đó những người gây ra tình trạng khói mù phải chịu trách nhiệm hình sự. Tờ The Straits Times trích báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường Singapore cho biết, Singapore đã nhiều lần yêu cầu Indonesia cung cấp thông tin về các công ty bị nghi ngờ đốt rừng bất hợp pháp tại Indonesia nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào. Giải thích cho quyết định truy tố 6 công ty Indonesia, Bộ Tài nguyên Môi trường Singapore cho rằng họ không hướng vào bất kỳ cá nhân hay công ty nào dựa trên quốc tịch hay quốc gia mà dựa vào hành vi. Luật chống ô nhiễm của Singapore quy định trừng phạt đến 72.000 USD cho “mỗi ngày gây ô nhiễm”.

Những nỗ lực của Singapore trừng phạt các công ty Indonesia gây ô nhiễm trở thành một điểm nóng trong quan hệ Singapore - Indonesia. Singapore cho rằng, luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia hành động, thậm chí nếu đối tượng gây ô nhiễm môi trường nằm ngoài phạm vi quyền hạn của một nước. Còn Bộ trưởng Tư pháp Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho rằng, Singapore không thể hành xử thay cho pháp luật của Indonesia; không có quyền truy bắt công dân Indonesia, nhất là khi 2 nước không có hiệp ước dẫn độ và dọa “xét lại” quan hệ hợp tác với Bộ Tư pháp Singapore. Còn Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói, Indonesia sẽ không cho phép Singapore truy tố công dân của mình liên quan đến đám cháy rừng bao phủ khu vực.

ASEAN đã có thỏa thuận về khu vực Đông Nam Á không có khói bụi vào năm 2020 nhưng hiện đang trong giai đoạn phê chuẩn. Sau Singapore, Malaysia - thành viên khác của ASEAN cũng bị khói mù từ Indonesia đang xem xét theo Singapore kiện các công ty Indonesia.

Trước sức ép của các nước láng giềng, Chính phủ Indonesia từ năm 2015 cũng đã có nhiều bước đi cứng rắn với các công ty gây ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 5, Jakarta cho biết không còn cấp đất mới cho các đồn điền dầu cọ và thành lập một cơ quan mới để cải tạo hàng triệu hécta đất than bùn giàu carbon dễ bị cháy. Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và cũng là nước có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, vấn đề làm sao đảm bảo sản lượng dầu cọ mà vẫn không gây ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn với nước này. Buộc các công ty và cả các hộ sản xuất dầu cọ tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của Chính phủ Indonesia quả thật không phải dễ, trong khi các hộ dân sản xuất ra đến 40% sản lượng dầu cọ của nước này.

Xem ra, cuộc chiến vì môi trường của Singapore không dễ dàng. Song, với những gì nước này đang thực hiện và trên hết là vì môi trường trong lành không những cho Singapore mà cho toàn khu vực Đông Nam Á, các nhà quan sát tin rằng Singapore sẽ chiến thắng.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục