Nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 cho người ở Việt Nam: Chặng đường dài sắp đến đích

Nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 cho người ở Việt Nam: Chặng đường dài sắp đến đích

Vaccine H5N1 - thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã chính thức được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người. Thông tin này thực sự là niềm vui to lớn khi mà virus cúm A H5N1 đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa sức khỏe và tính mạng con người.

4 năm nghiên cứu

Phải mất vài lần hẹn, tôi mới gặp được GS-TSKH Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Sản xuất vaccine và sinh phẩm số 1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 ở người. Không giấu nổi niềm vui, GS Vân nói: “Quá trình nghiên cứu vaccine H5N1 suốt 4 năm qua của chúng tôi đã sắp đi đến đích. Thế nhưng, trong các công đoạn nghiên cứu vaccine giai đoạn thử nghiệm trên người có tính chất rất quan trọng, là yếu tố quyết định xem vaccine có được đưa vào sản xuất và lưu hành rộng rãi không”.

Nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 cho người ở Việt Nam: Chặng đường dài sắp đến đích ảnh 1

Nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 tại Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương.

Theo GS Vân, thực ra virus cúm A - H5N1 không phải là dạng virus mới mà nó xuất hiện trên thế giới từ năm 1961. Nhưng đáng chú ý nhất khi lần đầu tiên vào năm 1997, H5N1 lây nhiễm sang người tại Hồng Công, cướp đi sinh mạng của 6 người.

Cuối năm 2003, virus nguy hiểm này chính thức lây lan sang Việt Nam và một số quốc gia khác. Trước mối đe dọa lớn mới xuất hiện xảy ra cho con người, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, virus H5N1 có thể biến chủng nguy hiểm gây ra đại dịch cúm ở người nếu như không sớm có một loại vaccine phòng ngừa dành cho người.

Với quyết tâm nghiên cứu tìm ra được phương thuốc hữu hiệu phòng chống virus H5N1 cho người dân Việt Nam, năm 2004, các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chính thức bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1. Tuy nhiên, quy trình nghiên cứu lại bắt đầu từ việc cấy virus trên tế bào thận khỉ, không theo cách nghiên cứu mà nhiều nước thường làm là nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu được tiến hành trên tế bào thận khỉ mặc dù phức tạp hơn nhưng cho năng suất cao và sạch hơn.

Một năm sau, những nỗ lực của các nhà khoa học ở đây bước đầu được đền đáp. Ngày 17-1-2005, việc thử nghiệm tiêm vaccine H5N1 trên chuột thành công. Nối tiếp thành công này, nhóm nghiên cứu quyết định tiếp tục thử nghiệm ở gà và khỉ. GS Vân cho biết, chọn khỉ để thử nghiệm vì đây là loài linh trưởng có những đặc điểm sinh học gần giống với người. Còn đối với gà là một trong những gia cầm có khả năng lây lan bệnh cao. Và chỉ hơn một tháng sau, ngày 25-2-2005, nhóm nghiên cứu nhận được tin vui từ đảo khỉ Quảng Ninh: sau 3 tuần tiêm thử nghiệm vaccine H5N1 trên khỉ, tất cả lũ khỉ vẫn sống khỏe mạnh. Điều này chứng tỏ vaccine đã tạo ra kháng thể miễn dịch và an toàn. Và cũng từ thời điểm đó cho tới nay, suốt 3 năm qua, các nhà khoa học ở đây đã tiến hành hàng trăm cuộc thử nghiệm vaccine H5N1 trên khỉ, và nhận được sự đánh giá cao WHO về loại vaccine này.

Vì sức khỏe cộng đồng

Trước những thành công trên, đầu năm nay, vaccine H5N1 đã chính thức được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, việc thử nghiệm trên người hoàn toàn khác so với ở động vật, đòi hỏi một quy trình rất chặt chẽ, với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thử nghiệm trên nhóm nhỏ từ 10 - 20 người, tiếp theo giai đoạn 2 sẽ là 200 - 300 người.

Thật bất ngờ, những người tình nguyện thử nghiệm trong giai đoạn 1 lại là 10 cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, những người đã từng tham gia nghiên cứu vaccine H5N1 ngay từ những ngày đầu. Việc làm này cho thấy các nhà khoa học ý thức một cách đầy đủ trách nhiệm đối với sự an toàn của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân. GS Vân cho biết, sau mũi tiêm đầu tiên đối với 10 người tham gia thử nghiệm, hiện nay sức khỏe của họ vẫn rất tốt và ngày 4-4 tới đây, sẽ tiếp tục tiêm mũi thứ 2. Nếu sau giai đoạn 1 không có sự cố gì xảy ra, việc thử nghiệm ở giai đoạn 2 sẽ được triển khai ngay trong tháng 4 ở Học viện Quân y và giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 8 tháng.

Có thể nói chặng đường nghiên cứu vaccine H5N1 của các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã gần tới đích. Hy vọng, những đợt thử nghiệm tiếp theo ở người sẽ có được những kết quả tốt đẹp để vaccine H5N1 “made in Việt Nam” sẽ sớm được đưa vào sản xuất, đáp ứng được sự mong mỏi và nhu cầu của người dân.

Hiện nay, Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang cũng đang nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 từ phôi trứng gà sạch. Chế phẩm này cũng đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng để xin phép thử nghiệm trên người.

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục