Ngôi trường thời kháng chiến của chúng tôi đón nhận danh hiệu anh hùng

Hôm nay (27-7), Trường Trung học Lý Tự Trọng – của Khu ủy Khu Tây Nam bộ đón nhận danh hiệu anh hùng.
Ngôi trường thời kháng chiến của chúng tôi đón nhận danh hiệu anh hùng

Hôm nay (27-7), Trường Trung học Lý Tự Trọng – của Khu ủy Khu Tây Nam bộ đón nhận danh hiệu anh hùng.

Ngôi trường có hơn 10 năm – thời kháng chiến. Nếu tính cả lớp học tiền thân từ năm 1962 cho tới ngày giải phóng, trường có 10 khóa với hơn 700 học sinh. Đã có hơn 100 liệt sĩ từng là học sinh của trường. Họ chiến đấu và hy sinh trên khắp các mặt trận. Có người được phong anh hùng năm 1970 như Nguyễn Việt Hồng, có người hy sinh khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, quăng trái lựu đạn cuối cùng, có người hy sinh khi trên tay vừa quay được những thước phim nóng hổi, từ một cuộc chiến đấu rực lửa.

Đã có những người sau này là tướng lĩnh, là anh hùng trong thời kỳ đổi mới, là nghệ sĩ ưu tú, là bác sĩ, dược sĩ, là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là ủy viên TƯ Đảng, là những người làm việc tận tụy dù ở bất cứ cương vị nào.

Từ trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn nghĩ rằng – đây là ngôi trường lớn nhất, đẹp nhất đối với chúng tôi. Nó gắn liền với tuổi thơ thoát ly gia đình, hòa vào cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân, hào hùng như người chiến sĩ, chan chứa niềm tin và khát vọng sống đẹp. Những bài học có được, những cảm nhận sâu sắc về trường như vẫn còn đây, như một phần ký ức tươi nguyên, trong trẻo, lung linh.

Lớp B1 tại Đường Cuốc (trước khi ra trường).

Lớp B1 tại Đường Cuốc (trước khi ra trường).

Xin cám ơn bà con Khánh Bình Đông, miền sông nước Cà Mau, nơi các lớp học sinh Lý Tự Trọng trú đóng, đã cưu mang, dạy dỗ chúng tôi mọi điều từ cấy lúa, gặt lúa, đến xay lúa, giã gạo, giần sàng… dạy leo dừa, dạy lội qua sông, dạy kéo cá, tát đìa, làm mắm… Chính bà con cũng là chỗ dựa tinh thần, tình cảm cho chúng tôi những năm tháng xa nhà, làm thấm thía đến sâu xa những ân tình, nhân nghĩa.

Xin cám ơn các thầy cô, những người đã gieo vào tâm hồn chúng tôi những bài học gắn với cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, với các giá trị cao đẹp mà gần gũi như chính cuộc đời thầy cô – những người vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, những người đã từ giã cuộc sống ở chốn thị thành vào bưng biền theo tiếng gọi của cách mạng, của giải phóng…

Lớp chúng tôi tập trung về trường vào cuối năm 1964 từ các tỉnh của miền Tây Nam bộ. Không ít trò nhỏ cũng ở thị xã - ở chợ vào. Tôi đến trường sau khi tốt nghiệp tiểu học tại thị xã Bạc Liêu và học xong một lớp tại Trường Lê Văn Tám tỉnh Sóc Trăng. Từ Sóc Trăng đến Trường Lý Tự Trọng ở Cà Mau phải qua lộ Đông Dương (quốc lộ 4). Lần đầu tiên qua lộ theo đường giao liên thật hồi hộp và suýt nữa đã bị thất lạc vì các đoàn qua lại giao nhau trên lộ vào trời tối.

Những năm 1965-1966, vùng giải phóng còn rộng, chưa có nhiều đồn bót nhưng đã có nhiều trận càn quét, bỏ bom, biệt kích… Vì thế chúng tôi cũng luôn rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, kỷ luật, hễ có báo động là di chuyển. Mỗi ngày đi học chúng tôi đều mang vòng lá ngụy trang, không để máy bay phát hiện. Các anh chị lớn còn được trang bị súng, lựu đạn để phòng thủ. Đồ đạc chúng tôi lúc nào cũng gọn gàng, thỉnh thoảng có báo động để tập dượt.

Ở trường bấy giờ tôi là một trong những học sinh nhỏ nhất (mới qua tuổi 13) nhưng đã cố gắng học tập và tham gia mọi hoạt động lao động, dạy bình dân học vụ… Nhờ có vốn kiến thức căn bản, tôi dành thì giờ dạy học cho con em của bà con nơi trường trú đóng. Tôi phụ trách dạy một lớp và việc dạy chủ yếu là để biết chữ, biết làm toán. Không có sách giáo khoa, chúng tôi tự ra bài để dạy. Hai năm ở trường, chúng tôi đã dạy được nhiều lớp. Gần 100 học sinh đã biết đọc, biết viết, biết làm toán qua các lớp học của chúng tôi – lớp học mà chúng tôi cùng nhau dạy và học bên những ngọn đèn dầu, những đêm không trăng đốt lá dừa đi học…

Việc học văn hóa có thể thuận lợi với tôi nhưng các việc khác thì không phải lúc nào cũng học được nhanh như học bơi qua sông, học leo dừa… Lúc mới biết leo dừa, leo lên thì dễ, còn lúc tuột xuống có khi trầy cả bụng. Tuy vậy, trong chúng tôi, ai nấy đều phấn đấu rất hăng say, cần mẫn và tự giác như có cái gì đó luôn thôi thúc. Mỗi người như luôn tự nhủ - cố gắng để không phụ lòng tin của nhiều người, trong đó có ba má mình. Suốt thời gian học ở trường, hầu hết chúng tôi đều không có lần nào về thăm gia đình.

Mặc dù cuộc sống tập thể đã làm cho chúng tôi trưởng thành và ngày càng cứng cáp nhưng đôi khi nhớ nhà cũng khóc. Khi tiễn tôi đi học, má may cho tôi mấy bộ quần áo. Tôi đã dành một bộ thật lâu để giữ hơi tay của má. Khi tất cả quần áo má may rách hết cũng là lúc chúng tôi có thể tự may quần áo để mặc. Vải trường cấp cho là loại vải tám màu đen, lúc còn mới mặc vào, mắc mưa thì da đứa nào cũng như bị nhuộm đen trông thật ngộ nghĩnh.

Hai năm tập trung học liên tục, lớp B1 chúng tôi học xong 3 lớp trung học đệ nhất cấp. Mặc dù không đủ đồ dùng dạy học nhưng chương trình cũng đảm bảo chất lượng vì có lúc ra hoạt động hợp pháp, làm bí thư thị đoàn Bạc Liêu, tôi thử vào học đệ tam mà vẫn theo học được.

Đối với chúng tôi, hành trang có được từ mái trường Lý Tự Trọng là rất lớn, rất nhiều, không sao nói hết, không sao có thể đền đáp. Chỉ biết rằng phải luôn cố gắng công tác, học tập và rèn luyện.

Có một câu khẩu hiệu của trường mà chúng tôi đều nhớ, và lúc đó cũng chưa hiểu hết nhưng sao thấy rất hay và như luôn vang dội trong tâm trí: Học để cải tạo thế giới, để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Từ ngày ra trường, mỗi người chúng tôi được công tác, được chiến đấu, được tiếp tục học tập và làm việc ở những môi trường khác nhau. Không ít người đã anh dũng hy sinh cho ngày độc lập. Những người còn lại hầu hết cũng trưởng thành, cũng ít có dịp gặp nhau đông đủ nhưng kỷ niệm về trường thì không thể phai mờ và như luôn tỏa sáng trong tâm hồn mỗi chúng tôi.

Ôi, ngôi trường mái lá đơn sơ năm nào do thầy trò và người dân cùng xây cất – ngôi trường trong lòng dân – ngôi trường giản dị mà ẩn chứa biết bao điều tốt đẹp thân thương ấy, hôm nay được vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng. Một sự kiện làm dậy lên bao nỗi nhớ và niềm tin yêu về trường, về những người có công vun đắp, gầy dựng nên những lớp học sinh kháng chiến.

Xin được khắc ghi ơn Đảng, ơn dân, ơn thầy cô và tình thương mến của những người bạn cùng học dưới mái trường không chỉ dạy chữ mà dạy làm người, làm cách mạng. 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục