Ngược dòng chinh phục đam mê

Đạt chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, giành huy chương kỳ thi tay nghề thế giới, nhưng họ không vào đời bằng con đường đại học mà từ trường nghề. Ở môi trường nào, họ cũng phát huy khả năng tay nghề và được vinh danh.
Nguyễn Hoàng Sang và đồng nghiệp bên hệ thống máy CNC
Nguyễn Hoàng Sang và đồng nghiệp bên hệ thống máy CNC

Lan tỏa tình yêu nghề

Năm 2018, Nguyễn Hoàng Sang (sinh năm 2000) thi đậu Trường Đại học Bách khoa TPHCM nhưng sau đó đổi ý chuyển sang học nghề. Lựa chọn đó khiến bạn bè bất ngờ, khuyên suy nghĩ lại nhưng cha mẹ Sang ủng hộ quyết định của con. Theo học nghề bảo trì máy CNC, Khoa Bảo trì cơ khí Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TPHCM), Sang gặt hái nhiều thành công, được tham dự kỳ thi kỹ năng nghề toàn quốc và được một số doanh nghiệp lớn chọn ngay khi chưa tốt nghiệp. “Cha mẹ em đều là công nhân nên hiểu được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo. Bản thân nhận thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chưa hẳn kiếm được việc làm tốt so với học nghề. Nếu là một thợ giỏi vẫn có tương lai hơn là làm “thầy” mà không có môi trường phát huy”, Sang chia sẻ.

Phần thưởng cho sự say nghề, đam mê sáng tạo của Nguyễn Hoàng Sang là tấm huy chương vàng về bảo trì máy CNC tại Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 và danh hiệu Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Cũng gặt hái nhiều thành tích ấn tượng khi còn ngồi trên ghế trường nghề, Lê Minh Bằng (35 tuổi) lại là một câu chuyện khác. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh xin làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến in mẫu lên quần áo... Khi đang làm công cho một công ty sản xuất nhựa tại quận Bình Tân (TPHCM), anh Bằng nhận thấy có năng khiếu và yêu thích với máy móc nên trình bày mong muốn với lãnh đạo công ty xin đi học trung cấp nghề. Được ủng hộ, anh nộp đơn theo học ngành cơ điện tử tại Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Với sự phấn đấu, đam mê, anh Bằng đã giành giải nhất kỳ thi tay nghề thành phố, Huy chương đồng nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2008, đạt chứng chỉ kỹ năng xuất sắc nghề cơ điện tử tại kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2009. Không dừng lại ở đó, Lê Minh Bằng tiếp tục theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và hiện là giảng viên tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương.

Cũng trưởng thành từ trường nghề là Châu Đình Viển, chuyên gia về điện - điện tử; là Nguyễn Đức Lợi - người được mệnh danh là “bác sĩ” của máy móc; là Vũ Hoàng Trinh - chuyên gia về ẩm thực… Có người trong số họ hiện là giảng viên dạy thực hành, là chủ nhà hàng hạng sang… Ở môi trường nào, họ cũng phát huy khả năng nghề nghiệp cũng như đào tạo nhiều thế hệ sinh viên giỏi nghề.

“Chìa khóa” phát triển nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, nâng cao kỹ năng nghề được xác định là giải pháp then chốt để nâng cao năng suất lao động. Dù các trường nghề đang đối diện với nhiều thách thức nhưng luôn nỗ lực để đào tạo những “bàn tay vàng”. Nhiều trường nghề như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TPHCM); Cao đẳng Kinh tế TPHCM; Cao đẳng Nghề TPHCM; Cao đẳng Viễn Đông; Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn; Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành; Trung cấp Ánh Sáng… liên tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đạt chuẩn để nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm khi sinh viên tốt nghiệp. Qua đó, nhiều ngành nghề có 95%-100% người học tốt nghiệp có việc làm, thu nhập tương xứng. Th.S Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ, đơn vị đã ký kết hợp tác với gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh việc tiếp nhận giảng viên, sinh viên tham quan, thực tập, tài trợ học bổng, thiết bị dạy học…, nhiều doanh nghiệp còn cùng với nhà trường đề xuất hợp tác một số nội dung như: triển khai mô hình đào tạo kép, đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ an toàn lao động, đào tạo cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tương tự, Th.S Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết, nhà trường đẩy mạnh các khoa chuyên về công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... cũng như liên kết, hợp tác cho sinh viên thực tập, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh.

Dưới góc độ người sử dụng lao động, Giám đốc Điều hành Công ty Kỹ thuật điện AZE Lê Văn Hiệp đánh giá, việc đơn vị hợp tác với các trường đại học, trường nghề giúp doanh nghiệp giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực cao. “Sau mỗi kỳ thực tập, chúng tôi giữ lại được hàng trăm sinh viên làm việc chính thức cho công ty. Đây chính là cái “lợi” của doanh nghiệp khi hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề, nhờ đó có thể tuyển dụng được nhân sự phù hợp mà không mất thời gian đào tạo lại”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề chính là “chìa khóa” phát triển nhân lực chất lượng cao. Mối quan hệ này không còn là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động nữa, mà là quan hệ mật thiết giữa nhà trường - doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục