Ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xary, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, sau đó đổi tên thành Vương quốc Campuchia. Nhân sự kiện lịch sử này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tham mưu phó Mặt trận 479 - người đã chứng kiến những giây phút đầu tiên giải phóng Phnôm Pênh - về sự giúp đỡ nghĩa tình của quân tình nguyện Việt Nam.
- Phóng viên: Là một trong những sĩ quan cao cấp đầu tiên có mặt tại Phnôm Pênh vào thời khắc lịch sử đó, trung tướng có thể khái quát tình hình lúc bấy giờ?
Trung tướng LÊ NAM PHONG: Như có một sự sắp đặt, cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ có nhiều người họ Lê. Đó là các ông Lê Đức Anh (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia), ông Lê Khả Phiêu, ông Lê Hai và tôi - Lê Nam Phong. Phải nói ngay rằng, thời điểm đó chúng tôi dễ dàng nhận ra nét mặt hân hoan của nhân dân Campuchia - những người vừa bước ra khỏi chế độ diệt chủng. Điều đáng ghi nhận là họ đã coi chúng tôi như người nhà. Đi đến đâu chúng tôi cũng được sự hỗ trợ nhiệt tình. Điều đó làm tôi nhớ lại cách đó không lâu, chúng tôi cũng có mặt tại Sài Gòn vào những giây phút đầu tiên. Đau thương, chết chóc của chiến tranh kéo theo nghèo đói và đất nước, con người Campuchia lúc ấy cũng vậy. Campuchia lúc đó thiếu thốn nhiều lắm.
Công việc đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam là giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách cho nhân dân Campuchia. Chúng tôi phân phối cho nhân dân Campuchia tất cả các vật dụng thiết yếu, như bát, đũa, mùng mền, lương thực… Quân tình nguyện làm tất cả các công việc và được người dân tin tưởng lắm, thậm chí ốm đau họ cũng nhờ quân tình nguyện đưa đi bệnh viện. Nghèo đói vậy đó, nhưng họ lại không hề tiếc của cải, vật chất và thậm chí còn cho chúng tôi những gì quý giá nhất, như gạo, dừa, gà, vịt, heo, bò…
- Trong thời gian công tác trên đất bạn Campuchia, trung tướng có những kỷ niệm sâu sắc nào?
Tôi có nhiều kỷ niệm tốt đẹp ở Campuchia. Đó là các buổi làm việc với các ông Heng Xom-rin, ông Hun Sen… Đặc biệt, ngay từ lần đầu tiên gặp ông Hun Sen, tôi đã nhận xét ông có khả năng lãnh đạo. Tài hùng biện, nói năng lưu loát, học thức cao, thông minh và chân thật đã giúp ông Hun Sen giải quyết nhiều vấn đề khó khăn lúc bấy giờ.
Lúc ấy, có rất nhiều trẻ mồ côi ở Campuchia và quân tình nguyện phải có trách nhiệm với vấn đề này. Chính vì vậy, tôi đã có một đứa con nuôi trên đất bạn. Tôi gặp cháu trên đường đi công tác. Sau đó tôi đặt tên Việt Nam là Lê Phương. Tôi đã giới thiệu cho Phương học ở Học viện Hậu cần và bây giờ đang là sĩ quan cao cấp của Vương quốc Campuchia. Mới đây, khi được thăng quân hàm Phương còn gọi điện thoại cho bố biết.
Tôi còn có nhiều kỷ niệm với người dân Campuchia. Như trên đã nói, nhân dân Campuchia rất chân thành và thật thà. Một buổi trưa, tôi đi công tác đến một làng ở Xiêm Riệp. Anh em tôi khát nước, tính múc nước giếng uống. Một bà má thấy vậy vội chạy đến can ngăn và cho biết nước giếng không sạch vì có nhiều xác người mà bọn Pôn Pốt giết rồi thả xuống đó. Sau đó, bà tự leo lên cây hái dừa cho chúng tôi. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng đầy nghĩa tình đó tôi không thể nào quên.
- Mới đây, tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia. Trung tướng có suy nghĩ gì về sự kiện này?
Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nước bạn Campuchia đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Có nhiều giai đoạn, nếu không có sự giúp đỡ của Campuchia, chúng ta rất khó trong hoạt động. Bạn đã giúp mình rất nhiều thì khi bạn cần, bạn có việc thì mình phải giúp lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Tôi rất không hài lòng khi biết tin các thế lực thù địch đang dùng nhiều thủ đoạn âm mưu chia rẽ tình đoàn kết giữa 3 nước Đông Dương hay xuyên tạc quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Chúng tôi - những người đã đi qua cuộc chiến - đủ cơ sở thực tế, lý luận thực tiễn để chống đối lại luận điệu đó. Các bạn trẻ cần hết sức cảnh giác. Mà muốn vậy thì phải đọc sử sách nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn để suy nghĩ thật chín chắn về tình hữu nghị, đoàn kết đời đời bền vững giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia. Đất nước Campuchia tươi đẹp lắm, con người Campuchia nghĩa tình lắm! Trong thời gian tới, tôi sẽ về thăm lại xứ sở nghĩa tình này.
- Xin cảm ơn trung tướng!
Đoàn Hiệp (thực hiện)