Bằng tấm lòng cũng như sự thành kính với các di tích văn hóa, gần 30 năm qua, người đàn ông ấy vẫn thầm lặng giữ ấm cho ngôi lăng đá bị bỏ hoang mà không nhận một đồng lương hay trợ cấp nào. Đó là ông Trương Văn Tuân ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Hàng ngày, ông Trương Văn Tuân đều đặn hương khói ở khu lăng mộ
Người chiến sĩ cách mạng
Hà Nội những ngày này gió bắt đầu lạnh và “làm khó” những người cao tuổi. Một buổi chiều, chúng tôi men theo con sông Hồng xuôi về phía Nam tới địa bàn huyện Thường Tín, vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học và nhiều di tích lịch sử quý giá. Từ xa, người bạn đồng hành của tôi đã quan sát thấy một quần thể đá đang nghi ngút khói hương và khi tiến lại gần, chúng tôi thấy một ông cụ đang lọ mọ cầm chiếc chổi tre dài quét khẽ những chiếc lá rụng cuối mùa trong làn khói hương nhè nhẹ.
Ông nở nụ cười rạng rỡ đón chúng tôi như những người khách du lịch thân thiện, chúng tôi vội đỡ chiếc chổi tre - còn cao hơn người - đang trên tay ông rồi cùng ông ngồi tâm sự trên chiếc bàn đá nhỏ gần đó. Anh bạn đồng hành buột miệng: “Bãi đá này đẹp cụ nhỉ!”. Ông cụ xua tay cười nói: “Không phải bãi đá đâu, đây là Lăng đá Quận Vân, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đấy”. Chúng tôi không khỏi bất ngờ lời giải thích của cụ, hóa ra chúng tôi đang chiêm ngưỡng di tích kiến trúc cấp quốc gia chứ không phải những khối đá đơn giản. Trò chuyện một lát, chúng tôi theo về ngôi nhà nhỏ của ông ở gần đó.
Ông thết đãi chúng tôi bằng cốc nước vối nóng. Ngôi nhà nho nhỏ có tới 4 thế hệ cùng chung sống, chắt nhỏ nhất năm nay cũng bắt đầu học lớp 1. Trên bức vách cũ kỹ treo nhiều giấy khen của con cháu ông, nhưng ở giữa có treo Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất tặng cho ông Trương Văn Tuân.
Ông Tuân kể rằng, năm nay đã 87 tuổi, cái tuổi không còn thể nhớ nổi từng chi tiết tuổi thơ của mình nữa, ông chỉ nhớ rằng hồi nhỏ rất đói khổ và quyết tâm đi theo cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ để giải phóng dân tộc. Ngày đầu, ông tham gia lực lượng du kích tại địa phương, phá chính quyền của địch và tham gia chính thức vào hàng ngũ quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go. Vào miền Nam 1964, ông chiến đấu dũng cảm, kiên trung trên nhiều mặt trận và nhiều lần được các cấp chỉ huy tuyên dương, khen thưởng. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về với ruộng đồng thôn Nỏ Bạn và làm việc ở công an xã. “Được làm người lính Cụ Hồ tôi vui lắm, ngày đất nước giải phóng tôi chỉ tiếc là chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng dù sao thế hệ chúng tôi cũng đã hoàn thành di nguyện của Bác, của dân tộc”, ông Tuân xúc động nhắc lại nhiều lần.
Khu Lăng đá Quận Vân cần được tôn tạo, quản lý
Nặng lòng với di tích
Trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương Nỏ Bạn, ông Tuân làm bạn với ruộng đồng, kiếm kế mưu sinh và tưởng chừng như cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán thì vào năm 1986, khi chính quyền địa phương cho khai thác lớp phù sa trên cánh đồng để trồng bắp đã phát hiện được một bãi đá lớn, đồ sộ và sau đó được các nhà khoa học xác định là Lăng đá Quận Vân, nơi thờ tự Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm thời Lê Trung Hưng. Năm 1988, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định công nhận Khu Lăng đá Quận Vân là di tích cấp tỉnh và một nấc thang mới vào năm 2003, khi Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) ra quyết định công nhận lăng đá là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, đằng sau những tấm bằng công nhận đó là sự thờ ơ của các cơ quan chức năng nên ngôi lăng ngày càng trở nên lạnh lẽo và hiu quạnh. Thấy vậy, ông đứng ra nhận trông nom khu lăng mộ. “Tôi không phải người họ Đỗ, chính quyền cũng không ngỏ ý mời tôi trông lăng nhưng tôi tình nguyện, vì thờ cúng tổ tiên, người có công với đất nước là điều nên làm, thấy lăng đá không ai chăm nom tôi cũng thấy chạnh lòng”, ông Tuân chia sẻ.
|
Khi trở thành người quản lăng, hương khói cho khu lăng mộ, nhiều người cho rằng ông “vác tù và hàng tổng” nhưng ông mặc kệ tất cả và tự bỏ tiền túi ra để làm hòn non bộ, lát nền trong khu lăng. Ông cũng đi nhiều nơi tìm kiếm các loại cây có bóng mát thích hợp đem về trồng xung quanh lăng mộ, như cây bàng, đa tai tượng, xoài, tre đến các loại cây cảnh như hoa mẫu đơn, liễu đuôi gà... Giờ đây, những cây ông trồng đã cao to, tỏa bóng mát xuống khu lăng đá linh thiêng.
Ông Tuân kể rằng, trước kia khu lăng bị trũng, nước ngập phải lội bì bõm suốt ngày, ông đã bỏ tiền ra mua cát, gạch để tôn nền nhưng do không có nhiều tiền nên chưa xây được tường bao quanh. “Giờ đây cỏ mọc cao quá, sức tôi thì yếu nên không thể nhổ hết, nhìn xót lắm”, vừa lau nước mắt ông vừa phân trần. Khi chúng tôi hỏi tại sao người dân quanh đây ít đến gần khu lăng thì được nghe ông kể lại: “Cách đây lâu lắm rồi, khi màn đêm nơi đây buông xuống, người dân quanh vùng thường nghe tiếng thét, tiếng rên của một phụ nữ phát ra từ phía khu lăng mộ. Mọi người ai cũng sợ khi tiếng thét ngày càng trở nên dữ dội và đều đặn hơn. Có người bạo dạn lần mò ra xem thử nhưng không thấy ai nên càng thêm sợ hãi. Từ đó, nhiều người không dám đi đêm về hôm qua khu lăng mộ nữa. Tôi lúc đó cũng hiếu kỳ nên hàng đêm cũng ra “thám thính” tiếng kêu đó là gì, rồi cho đến một lần tôi phát hiện có cô gái không may mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi và hàng đêm cứ đến khu lăng la hét. Tôi đưa cô tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 gửi gắm cho bệnh viện chữa trị”.
Với lòng thành kính với di tích và văn hóa dân gian, ông Tuân đã tự mua rất nhiều sách vở liên quan về đọc và chính nhờ những kiến thức đó đã giúp ông lý giải được ngôn ngữ mà các nghệ nhân tạc đá thời xưa để lại trên hình tượng các “ông” voi đá, ngựa đá, nghê đá. Ông Tuân dần trở thành hướng dẫn viên du lịch “nghiệp dư” nhưng rất thân thiện với những ai tình cờ đi ngang qua và ghé vào tham quan lăng đá như chúng tôi; ông có thể kể cho họ nghe hàng giờ về lịch sử, địa lý, ý nghĩa khu lăng và mảnh đất Nỏ Bạn thân thương.
Gần 30 năm trông lăng, chỉ trừ những hôm mưa bão quá lớn hay bệnh nặng, ông mới không ra thắp hương, quét lá; còn lại, ngày nào Khu Lăng đá Quận Vân cũng ấm áp và nghi ngút thơm hương. Anh Trương Văn Hiệp, sống gần khu lăng, chia sẻ: “Nhiều hôm mưa gió vẫn thấy cụ mặc áo mưa lọ mọ ra lăng, thấy vậy tôi vội chạy đến đưa ông vào nhà rồi đợi tạnh mưa cùng ông ra dọn cỏ”. Không một đồng trợ cấp, chưa một lời cảm ơn đến từ bất kỳ ai nhưng ông vẫn hàng ngày hương khói; cẩn thận lấy giẻ sạch lau chùi tượng chiến binh đá, voi đá, ngựa đá, ban thờ... kỹ càng mỗi khi rêu phong bám vào.
Còn đó một ước mơ
Đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, ông dường như đã biết trước những gì đang đợi phía trước. Tay run run nâng cốc nước vối, ông nói: “Tôi sắp về với các đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường rồi, nhưng vẫn còn điều trăn trở quá mấy chú à! Không biết di tích có được nâng cấp và trông coi cẩn thận không. Giờ tôi chỉ mong được thấy các cấp cho xây tường bao xung quanh để tránh bị lấn chiếm, gắn một tấm biển chỉ dẫn để du khách dễ tìm đến thăm viếng thôi, chứ bản thân tôi không cần gì cả!”. Chúng tôi hiểu được tâm trạng của ông lúc này. Chợt một cơn gió lạnh thổi vào nhà, cậu bạn tôi liền cởi chiếc áo ngoài ra khoác lên người ông, tuy lặng lẽ nhưng chúng tôi muốn nói rằng “ông cứ yên tâm, chúng cháu sẽ cố gắng giúp ông hoàn thành ước mơ”.
Tạm biệt ông khi mặt trời đã tắt nắng, chúng tôi ngược dòng sông mẹ về nội thành thủ đô mà không khỏi day dứt. Hình ảnh một cụ già với đôi tay run run nhổ cỏ, lau tượng đá cứ in đậm mãi trong chúng tôi. Chỉ mong sao ước mơ nho nhỏ của ông Tuân sẽ sớm trở thành hiện thực, vùng quê thanh bình này được thêm nhiều người biết đến và mong ông khỏe mạnh để chứng kiến những mơ ước đó.
NGUYỄN CÔNG