Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải ngay ngắn, mẫu mực

Đồng chí Trần Lưu Quang nhận định, công tác kiểm tra, giám sát chưa bao giờ quan trọng như lúc này. Bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái làm giảm hình ảnh của Đảng, chính quyền, của người cán bộ cách mạng trong lòng người dân và doanh nghiệp. Cũng chưa bao giờ công tác phòng chống tham nhũng, hay nói rộng ra là công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng được quan tâm như hiện nay.

Sáng 6-1, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; sơ kết 3 năm thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Tô Quang Ngọc, Vụ trưởng Vụ địa phương VII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Công tác kiểm tra cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang nhận định, công tác kiểm tra, giám sát chưa bao giờ quan trọng như lúc này. Bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái làm giảm hình ảnh của Đảng, chính quyền, của người cán bộ cách mạng trong lòng người dân và doanh nghiệp. Cũng chưa bao giờ công tác phòng chống tham nhũng, hay nói rộng ra là công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng được quan tâm như hiện nay.

Hơn nữa, đặc thù TPHCM những năm qua luôn được đánh giá là năng động sáng tạo, với nhiều cách làm hay, mới, hiệu quả. Nên từ góc độ nào đó, theo đồng chí Trần Lưu Quang, qua thời gian những người thực thi công việc cũng ít nhiều có sự chủ quan nhất định, dẫn đến mắc sai phạm. Mặt khác, một số đồng chí vì những lý do cá nhân không giữ được mình, có sai phạm và bị xử lý.

Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải ngay ngắn, mẫu mực ảnh 1 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị, sáng 6-1-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang đồng tình với đánh giá công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP. Bởi nếu làm tốt công tác này thì tự thân mỗi cán bộ đảng viên phải ý thức trách nhiệm hơn với công việc, giữ mình hơn, việc này phần nào cũng trở thành sức mạnh cho sự phát triển của TPHCM.

Theo đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trước hết là cần nhắc nhở, cảnh báo răn đe “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, cần xem xét thêm các sai phạm ở góc độ động cơ. Nếu cố tình sai phạm thì xử lý nghiêm để răn đe. Nhưng nếu là “tai nạn” do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do cơ chế chính sách thì cũng phải tính.

“Để đến lúc nào đó, khi có việc rắc rối ở cơ sở, mời thanh tra, kiểm tra xuống xem xét giùm việc đó có sai phạm gì không. Đó là mục tiêu lớn nhất mà nếu chúng ta làm được thì rất hay, rất nhẹ nhàng”, đồng chí Trần Lưu Quang nói.

Với các chương trình kiểm tra, giám sát, đồng chí Trần Lưu Quang lưu ý cần có chương trình hợp lý, tránh gây trùng lắp, áp lực cho đơn vị được kiểm tra, giám sát. Trong xây dựng kết luận kiểm tra, giám sát cũng cần hết sức chuẩn mực, khách quan. Không lên gân, nói quá, nhưng cũng không bỏ lọt sai phạm.

Nói về cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, nếu những người làm công tác này tự thấy mình “oách lắm”, “oai lắm” thì quá trình làm nhiệm vụ sẽ có những khoảng cách; thấy mình có quyền sinh quyền sát rất lớn với sinh mạng chính trị của người khác. Trong khi đó, cán bộ kiểm tra, giám sát cũng có thể mắc sai phạm.

Do vậy, đồng chí Trần Lưu Quang mong muốn những người làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải ngay ngắn, mẫu mực, thực sự là tấm gương, thực sự giỏi để chứng minh một cách khoa học, mạch lạc sai phạm của cá nhân, đơn vị. Muốn vậy, cán bộ kiểm tra, giám sát phải là người toàn diện về đạo đức. Và việc xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm của cán bộ làm công tác này, theo đồng chí, cũng là công bằng và cần thiết.

Đồng chí Trần Lưu Quang cũng gửi gắm các đồng chí làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần đoàn kết, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, cầu thị lắng nghe. Đồng thời cũng cần quan tâm việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát. Việc này thời gian qua, theo đồng chí, dường như có nơi còn chưa làm tốt lắm.

Đồng chí cũng đề nghị cần làm tốt công tác truyền thông, minh bạch thông tin trên báo chí về công tác kiểm tra giám sát. Việc này vừa giúp những người có nguy cơ sai phạm tự ý thức được, vừa giúp cán bộ kiểm tra giám sát ý thức được việc mình làm đang được minh bạch, nếu làm không đúng thì mọi người sẽ biết.

Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải ngay ngắn, mẫu mực ảnh 2 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM Tô Thị Bích Châu tặng bằng khen cho các tập thể làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Năm 2021 là năm đầu tiên khởi động nhiệm kỳ mới, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị ngành kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng TPHCM khởi động, thực thi nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu để cuối nhiệm kỳ có kết quả tích cực nhất.

Tới đây, TPHCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường, nhưng đồng thời lại có thêm TP Thủ Đức với kỳ vọng phát triển rất lớn. Do vậy, yêu cầu đối với công tác kiểm tra, giám sát càng lớn, đòi hỏi phải nỗ lực hơn. “Do vậy cần phải chăm lo cho đội ngũ của mình. Trong bối cảnh cần tinh giản biên chế, nhưng các đồng chí cũng cần chú trọng phát hiện nhân tố mới, đào tạo bồi dưỡng anh em”, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thực hiện Quy định 1374, đồng chí Trần Lưu Quang đánh giá đây là công cụ hiệu quả, có tác dụng răn đe rất lớn. Người tốt thì tin tưởng, không tốt thì lo lắng và cân nhắc nhiều trước khi quyết định làm việc gì. Theo đồng chí, tinh thần là khi tiếp nhận thông tin cần hết sức tỉnh táo, huy động sức mạnh tập thể, áp dụng công nghệ thông tin tốt hơn để giải quyết hiệu quả hơn các thông tin phản ánh. Năm 2021 cũng cần nhìn lại, đánh giá việc thực hiện Quy định này để cần điều chỉnh, bổ sung, từ thực hiện hiệu quả hơn.  

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là việc khó. Khó bởi đây là việc quan trọng, yêu cầu cao. Nó cũng rất nhạy cảm, liên quan đến tài sản lợi ích, sinh mạng chính trị của nhiều người; là câu chuyện đan xen giữa lý và tình, dễ bị cám dỗ.

“Nhưng tiếp nối truyền thống, trên cơ sở những việc đã làm được, sự quan tâm của cấp trên, sự phối hợp ngày càng hiệu quả, sự nỗ lực của tất cả cán bộ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, chúng tôi tin rằng công tác này sẽ gặt hái được thành công lớn, vì sự bình yên và phát triển của TP”, đồng chí Trần Lưu Quang gửi gắm.

Thi hành kỷ luật hàng trăm đảng viên

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, trong năm qua, ngành kiểm tra của Đảng bộ TPHCM đã nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, trong đó trọng tâm là kiểm tra, giám sát phục vụ tốt công tác Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể, cấp ủy các cấp đã kiểm tra đối với 1.530 tổ chức đảng và 1.882 đảng viên; giám sát đối với 1.330 tổ chức đảng và 1.734 đảng viên. Qua đó đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng (giảm 10 trường hợp so với năm 2019), 337 đảng viên (giảm 72 trường hợp so với năm 2019). Đối với đảng viên, Ban Thường vụ Thành ủy đã thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng 1 trường hợp, khai trừ Đảng 2 trường hợp.

Cấp ủy các cấp cũng thi hình kỷ luật 4 tổ chức đảng (trong đó khiển trách 3 trường hợp, giải tán 1 trường hợp); và 334 đảng viên (trong đó khiển trách 242 trường hợp, cảnh cáo 77 trường hợp, cách chức 9 trường hợp, khai trừ Đảng 6 trường hợp).

Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải ngay ngắn, mẫu mực ảnh 3 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải phát biểu tại hội nghị, sáng 6-1-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm các quy định về công tác cán bộ, quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; chấp hành không nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Cùng với đó là các biểu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm pháp luật Nhà nước…

Theo đồng chí Dương Ngọc Hải, trong năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo tập trung giám sát 19 lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của TP để thúc đẩy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của UBND TPHCM và các sở, ngành, quận, huyện.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã triển khai công tác kiểm tra giám sát; chủ động nắm bắt thông tin qua nhiều nguồn để quyết định kiểm tra, giám sát. Từ đó tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp cảnh báo, nhắc nhở, chấn chỉnh, kịp thời tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm.

Qua kiểm tra, đã kiên quyết xử lý và đề nghị cấp ủy xử lý kỷ luật nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó có những người giữ chức vụ cao trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, khối doanh nghiệp thuộc hệ thống chính trị TP. Từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng TPHCM trong sạch, vững mạnh.

Báo cáo trước hội nghị về Sơ kết 3 năm thực hiện Quy định số 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng chí Dương Ngọc Hải cho biết, trong 3 năm qua, toàn TPHCM tiếp nhận 8.952 thông tin. Trong đó ý kiến cử tri 23,5%; giám sát của các cơ quan dân cử 17,6%; khiếu nại, tố cáo 47,6%, thông tin từ báo chí 11,3%. Bình quân mỗi tháng 249 tin, mỗi ngày 8-9 tin. Tỷ lệ thông tin đã được xử lý đạt 98,48%.

Qua đó đã xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với 9 tổ chức đảng (khiển trách 8, cảnh cáo 1) và 357 đảng viên (khiển trách 216, cảnh cáo 109, cách chức 18, khai trừ 14 trường hợp). Đồng thời xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với 406 trường hợp (khiển trách 189, cảnh cáo 86, cách chức 24 và 81 trường hợp khác; buộc thôi việc, sa thải 26 trường hợp). Chuyển cơ quan pháp luật xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự 5 trường hợp.

Người làm công tác kiểm tra, giám sát phải ngay ngắn, mẫu mực ảnh 4 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tặng bằng khen cho các đồng chí có thành tích tốt trong việc thực hiện Quy định số 1374. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quy định 1374 được đánh giá là một cách làm mới, một công cụ hiệu quả góp phần phòng, chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Việc tổ chức thực hiện Quy định 1374 trong 3 năm qua được Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đã trở thành một nội dung thường xuyên của công tác xây dựng Đảng.

Dù vậy, một số cơ quan, đơn vị xử lý, giải quyết các thông tin phản ánh chưa đảm bảo quy trình và thời gian theo Quy định 1374; một số đầu mối tiếp nhận thông tin xử lý chưa chủ động chỉ đạo xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền của đơn vị… Thông tin phản ánh từ các cơ quan dân cử, hoạt động giám sát của MTTQ các cấp vẫn còn ít. Một số vụ việc phản ánh trên báo chí còn chưa đúng thực tế.

Tại hội nghị, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị trình bày tham luận về kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm tra giám sát; trong thực hiện Quy định 1374. Các tham luận đều khẳng định công tác này đã góp phần giữ vững kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định.

Đánh giá báo chí có vai trò quan trọng trong thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề xuất thời gian tới các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm việc cung cấp kết quả xử lý các vụ việc theo phản ánh của cơ quan báo chí.

Đồng chí Lê Văn Minh cũng cho biết, năm 2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ chủ trì, phối hợp với Tổ công tác 1374 của Thành ủy tổ chức tọa đàm chủ đề Vai trò của báo chí xuất bản trong thực hiện Quy định 1374, để nhìn nhận đánh giá sâu và rút kinh nghiệm; lắng nghe ý kiến của các cơ quan báo chí xuất bản cũng như của cấp ủy, cơ quan đơn vị để thực hiện tốt hơn Quy định này.

“Thời gian tới, cơ quan báo chí ngoài việc thông tin các vụ việc cũng cần tham gia đấu tranh, phản bác lại các thông tin xấu, độc trên mạng. Bởi có một số cá nhân lợi dụng Quy định 1374 để bôi nhọ cơ quan đơn vị, cá nhân không đúng sự thật”, đồng chí Lê Văn Minh nói.

Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác kiểm tra giám sát của Đảng năm 2020 và thực hiện tốt Quy định 1374 trong giai đoạn 2017-2020.

Tin cùng chuyên mục